Dưới bóng cây đa cổ

Cùng với giếng nước, mái đình, hình ảnh cây đa cổ gần đền Chu Hưng từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của làng, gắn với ký ức mỗi người con của xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa từ thưở ấu thơ. Hàng trăm năm qua, cây đa là 'nhân chứng' chứng kiến sự đổi thay của làng cùng nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc.

(baophutho.vn) - Cùng với giếng nước, mái đình, hình ảnh cây đa cổ gần đền Chu Hưng từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của làng, gắn với ký ức mỗi người con của xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa từ thưở ấu thơ. Hàng trăm năm qua, cây đa là “nhân chứng” chứng kiến sự đổi thay của làng cùng nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc.

Đứng sừng sững đầu làng, gần đền Chu Hưng nên người dân trong làng đã gọi cây với cái tên “cây đa Chu Hưng” cả trăm năm nay. Chẳng ai biết cây đa có từ đâu, những người trong làng cũng chỉ nghe các cụ cao niên kể lại câu chuyện xưa kia có đàn chim đi kiếm mồi, cắp theo hạt đa chín mọng vô tình đánh rơi xuống đất, hạt giống yêu đất quê nên bén rễ, nảy mầm mọc thành cây đa cổ thụ cho đến ngày nay. Cây đa cao vút cỡ gần 30 mét với hàng trăm rễ phụ, qua bao năm tháng ăn sâu vào lòng đất, những rễ này đã to lớn làm cho gốc đa rộng phải năm, sáu người ôm mới xuể. “Cây đa Chu Hưng” là địa điểm nhiều người dân từ các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Yên Bái... cũng biết bởi đây không chỉ là nơi tụ họp, sinh hoạt văn hóa thường ngày của dân làng mà còn là một dấu mốc để người ta có thể phân biệt được hướng đi mỗi khi tìm đường đến vùng đất Hạ Hòa.

Cây đa Chu Hưng – nơi chứng kiến bao thăng trầm cùng những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước

Ông Vũ Mai Toàn, sinh năm 1957 – nguyên Chủ tịch UBND xã Ấm Hạ cho biết: “Cây đa Chu Hưng là “hồn làng” trong tâm thức mỗi người con của quê hương Ấm Hạ. Ngày mùng Bảy tháng Giêng hàng năm, dưới những lá cờ hội rực rỡ sắc màu cùng khói hương nghi ngút, cả làng đều tập trung dưới gốc đa để làm lễ rước thánh, rước Côn Nhạc Đại Vương – Thành hoàng làng về đền Chu Hưng – ngôi đền thiêng lưu giữ những huyền tích của thời đại Hùng Vương cùng những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Chính quyền và bà con nhân dân luôn cố gắng chăm sóc để cây khỏe mạnh, xanh tốt, đồng thời truyền đạt những giá trị lịch sử của cây đa cho thế hệ sau để lưu truyền, gìn giữ và phát huy”.

Gốc cây to với nhiều rễ phụ chắc khỏe

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, cây đa Chu Hưng thuộc địa bàn của chiến khu Mười – chiến khu nổi tiếng với nhiều chiến công vang dội. Thưở ấy, “cây đa Chu Hưng” là dấu mốc để bộ đội ta liên lạc, gặp gỡ, truyền thông tin và là địa điểm đặt xưởng nữ quân nhu sản xuất quần áo chiến sỹ, đóng gói chăn màn, ba lô để gửi ra tiền tuyến. Gốc đa cổ cũng là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sỹ, nhà thơ nổi tiếng như: Tố Hữu, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Huy Cận... sáng tác nhiều tác phẩm về văn học, âm nhạc trên hành trình về Việt Bắc. Dưới bóng đa, tình hữu nghị Việt – Lào được vun đắp, xây dựng khi nhân dân quanh vùng ra sức đùm bọc, nuôi giấu và hỗ trợ cho cán bộ Lào trong quá trình hoạt động để thành lập nên đội vũ trang đầu tiên của nước Lào trên đất Việt tên là Lát – Xạ - Vông vào năm 1949.

Đối với những người dân quê chất phác, hiền lành, cây đa mang những giá trị tinh thần lớn lao không gì thay thế được. Dù nắng mưa, sấm sét, cây đa Chu Hưng vẫn sừng sững giữa đất trời, tỏa bóng mát che chở, bao bọc cho làng quê được yên bình, no ấm.

Hà Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/202111/duoi-bong-cay-da-co-180991