'Đường cao tốc' FTA rộng mở, hàng Việt còn lo gì mà không đi?
Việt Nam đã ký kết, thực thi 16 FTA và 3 FTA đang đàm phán. Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn… mở ra cơ hội về cắt giảm thuế quan để hàng Việt thuận lợi đi tới các thị trường trên thế giới.
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland. CPTPP được ký kết năm 2018, có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019. Hiệp định 11 nước thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam.
Sức hấp dẫn của CPTPP
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Anh gia nhập sẽ đưa CPTPP trở thành thị trường hơn 500 triệu dân, với GDP ước tính hơn 13.600 tỷ USD, bằng 15% GDP thế giới.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Anh đã dành mức cam kết mở cửa thị trường với Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong CPTPP, cao hơn so với cam kết của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh (UKVFTA), trong một số nội dung quan trọng với Việt Nam.
“Trong khuôn khổ gia nhập Hiệp định CPTPP, Vương Quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường”, ông Hà cho biết.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tăng trưởng thương mại vào các nước thành viên mới của CPTPP đạt được mức cao. Tỷ lệ áp dụng xuất xứ thực thi CPTPP của một số mặt hàng như gạo tăng hơn 2.000%, sắn hơn 3.000%, máy móc thiết bị và dụng cụ khác hơn 100%.
Tuy nhiên, VCCI khảo sát cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA đã ký chưa cao, dù một số thị trường có thuế giảm thấp. Vì vậy, dư địa vẫn còn, doanh nghiệp cần nắm vững thông tin về thuế suất để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các thị trường này.
Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương lưu ý, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp cần đáp ứng xu thế tiêu dùng xanh, sản xuất sạch. Khi xuất khẩu sang các nước phát triển làm sao đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn xanh của EU, cũng như các nước thành viên CPTPP.
Nêu thực tế, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho biết trong 10 năm gần đây, giá trị xuất khẩu rau củ của Việt Nam sang thị trường này đã tăng gần gấp 3 lần (từ 1,7 triệu năm 2013 lên 4,8 triệu USD hiện nay). Nếu tính từ sau CPTPP (2018), mức tăng là 34% cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Canada từ các thị trường khác. Tuy nhiên, xét giá trị tuyệt đối, mức tăng này là không đáng kể và điều quan trọng là khó có khả năng tăng mạnh hơn nữa trong tương lai.
Hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam sang địa bàn này là mã 709 (rau đặc sản và rau gia vị) và 710 (riềng sả, nghệ, lá chanh…) đều có mức tăng không đáng kể và không ổn định (xu hướng giảm trong năm 2022 với mã 709).
Đừng để cơ hội tuột mất
Ngoại trừ rau nấm khô, các sản phẩm rau củ khác của Việt Nam sang Canada cũng có mức tăng không ổn định sau CPTPP và giảm mạnh trong năm 2022. Trước CPTPP (giai đoạn 2013 – 2016), hành hẹ và các sản phẩm từ hành của Việt Nam từng có kim ngạch lên đến trên 250.000 USD, tuy nhiên đến nay, Việt Nam gần như mất hẳn thị trường do giá cả không cạnh tranh và nguồn cung không ổn định.
Theo bà Quỳnh, đối thủ chủ yếu của Việt Nam với cùng phân khúc mặt hàng mã 709 là Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đứng thứ 8 xuất khẩu vào Canada với kim ngạch tăng đều qua các năm và đạt 7,6 triệu USD, trong khi Việt Nam xuất khẩu được 2,7 triệu USD và có xu hướng giảm.
Với mặt hàng trái cây, nhìn vào cơ cấu cạnh tranh có thể thấy đối với các sản phẩm trái cây đặc sản châu Á, Việt Nam hiện nay chưa có đối thủ mạnh. Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu nhiều nhất mặt hàng như thanh long, chanh/bưởi, dừa tươi và gần đây là ổi, xoài, nhãn, sầu riêng và vải tươi.
Số liệu cũng cho thấy xu hướng cạnh tranh ngày càng lớn đối với các mặt hàng trái cây tươi mà Việt Nam có thế mạnh như thanh long, sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt từ các nước Nam Mỹ. Sau CPTPP, xuất khẩu các mặt hàng nay sang địa bàn không những không tăng mà còn suy giảm đều qua các năm.
Ông Herb, một nhà nhập khẩu rau củ quả Việt Nam cho biết, hiện vẫn kiên trì nhập khẩu trái cây từ Việt Nam để cân đối khối lượng với rau gia vị nhưng thực tế DN hầu như không có lãi. Brazil đang cạnh tranh lớn với Việt Nam về trái thanh long, mãng cầu và chanh leo. Colombia, Mexico bắt đầu trồng sầu riêng, vải và chôm chôm. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới từ Nam Mỹ có chất lượng và giá tốt hơn hẳn sản phẩm cùng loại của Việt Nam.
Điểm yếu của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu là ở chỗ nguồn cung, giá không ổn định, chi phí vận chuyển cao. Bên cạnh đó, hàng Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh lớn của các thương nhân Trung Quốc, hiện nay đang là những nhà phân phối khống chế nhiều chuỗi siêu thị và chỉ ưu tiên nhập hàng từ Trung Quốc.
Cùng với đó, thiếu thông tin, chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ… là một trong những nút thắt mà DN Việt chưa tận dụng hết lợi thế từ các FTA. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, các FTA đều nhấn mạnh đến quy tắc xuất xứ nếu không phải từ vải thì tự sợi. Yêu cầu quy tắc xuất xứ sẽ khuyến khích DN đầu tư nguyên liệu hay công nghiệp phụ trợ, tạo được sức hút cho các nhà đầu tư đi vào khu vực này. Tuy nhiên, chi phí đầu tư nguyên liệu lớn, quản trị khó khăn, yêu cầu kỹ thuật quản lý đòi hỏi cao hơn so với công đoạn khác của ngành dệt may nên đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dệt may nói chung.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết, thực thi 16 FTA và 3 FTA đang đàm phán. FTA mới nhất được ký kết trong năm 2023 là FTA với Israel (VIFTA) đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản,Trung Quốc, EU, Anh, Nga... Do vậy, việc tận dụng cơ hội từ các FTA là điều rất quan trọng.
Từ câu chuyện của Hiệp định CPTPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm, khi Việt Nam tham gia, CPTPP có 11 thành viên. Tuy nhiên, đây là hiệp định có độ mở cửa cao nhất, tạo sức hút mạnh mẽ để nhiều nước xin tham gia vào CPTPP.
Hiện nay, các nước có ý kiến chính thức muốn tham gia CPTPP là 6 quốc gia. Điều này cho thấy giá trị của CPTPP. "Nhưng câu chuyện tận dụng Hiệp định hay không là câu chuyện khác, xuất phát từ các chủ thể", ông Tân nói.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương mong muốn mỗi địa phương, doanh nghiệp cần tận dụng sản phẩm lợi thế của mình để nắm bắt cơ hội từ CPTPP. "Doanh nghiệp cần cạnh tranh tốt ở thị trường trong nước và tiếp tục vươn tới các thị trường CPTPP nói riêng cũng như các thị trường mà Việt Nam có FTA nói chung", ông lưu ý.