Đường mới - cơ hội mới

Ngay sau khi đưa vào khai thác, đường trục Bắc - Nam đoạn từ đường tỉnh 392 đến cầu Hiệp đã giúp cả một khu vực rộng lớn của huyện Ninh Giang như bừng tỉnh.

Đoạn đường trục Bắc - Nam tạo thuận lợi để các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ninh Giang phát triển kinh tế - xã hội

Đoạn đường trục Bắc - Nam tạo thuận lợi để các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ninh Giang phát triển kinh tế - xã hội

Đường trục Bắc - Nam đoạn từ đường tỉnh 392 đến cầu Hiệp đã đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian đi lại cho nhân dân và tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ninh Giang.

Người dân phấn khởi

Trước đây làm công nhân cho một doanh nghiệp may mặc ở TP Hải Dương, nhưng gần 1 tháng nay chị Phạm Thị Yến ở thôn An Cơ, xã Đức Xương (Gia Lộc) đã chuyển về làm ở cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long (Ninh Giang). Mặc dù lương không bằng chỗ làm cũ nhưng bù lại chị được làm gần nhà. "Đi lại dễ dàng nên mỗi khi có việc, tôi vẫn có thể tranh thủ tạt qua nhà vào giờ nghỉ. Vui nhất là có đường mới, không phải đi xa, lại an toàn hơn, nhất là khi trời tối hoặc mưa gió", chị Yến nói.

Chị Phạm Thị Lan ở thôn An Cư, cùng ở xã Đức Xương cũng đang làm việc trong cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long. Chị Lan cho biết trước đây khi chưa có đoạn đường trục Bắc - Nam, công nhân người Đức Xương đến cụm công nghiệp này phải đi theo đường 392, vòng qua nhiều làng rồi mới đến nơi làm việc nên khá vất vả. "Đường mới rút ngắn cho chúng tôi khoảng 2 km. Trước đây đi nửa tiếng thì nay chỉ còn 20 phút là đến chỗ làm", chị Lan cho biết.

Không chỉ thuận lợi cho việc đi lại, đoạn đường trên còn là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đón đầu cơ hội này, cuối năm 2018, Công ty CP May Hải Anh ở xã Bình Minh (Bình Giang) đã đầu tư nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long. Nhà máy xây dựng trên diện tích hơn 5 ha, nằm ở vị trí rất thuận lợi, gần đường trục Bắc - Nam, đường vào trung tâm xã Hưng Long và gần cầu Hiệp để sang tỉnh Thái Bình. Nhà máy chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ và các nước EU. Dự kiến nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, chủ yếu là người địa phương.

Ông Bùi Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Tân Phong (Ninh Giang) cho biết đoạn đường trục Bắc - Nam vừa đưa vào khai thác đi qua cánh đồng của 3 thôn Tân Hợp, Tiền Liệt và Hữu Chung của xã. Tuyến đường đã tạo diện mạo mới, sức sống mới trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. "Hiện nay, tại xã có 3 doanh nghiệp sản xuất giầy da, may mặc, xây dựng tạo việc làm cho khoảng 700 lao động. Chắc chắn tuyến đường này sẽ là cơ hội để xã tiếp nhận thêm các dự án đầu tư mới", ông Thưởng khẳng định.

Động lực phát triển

Đoạn đường trục Bắc - Nam từ cầu Hiệp đến đường tỉnh 392 dài khoảng 8 km, đi qua 6 xã của huyện Ninh Giang gồm Hưng Long, Hồng Phúc, Hưng Thái, Tân Phong, An Đức và Hồng Đức. Đây là trục giao thông huyết mạch mới của huyện Ninh Giang, kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh với các quốc lộ và đường tỉnh. Điểm đầu của đoạn đường gần cầu Hiệp, qua sông Luộc đã sang địa phận xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Sau khi đoạn đường hoàn thành, từ phía Quỳnh Phụ đi đến nút giao giữa quốc lộ 38B để lên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ còn 18 km, thay vì khoảng 30 km như trước kia. Ngay sau khi đưa vào khai thác, đoạn đường đã giúp cả một khu vực rộng lớn của huyện Ninh Giang như bừng tỉnh. Cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long trước đây vốn im lìm nay đã nâng cao giá trị, thu hút đầu tư, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất. Sau Công ty CP May Hải Anh và một số doanh nghiệp khác đã tìm đến cụm công nghiệp này như Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Fourwell Global đầu tư dự án nhà máy may xuất khẩu; Công ty TNHH Quốc tế thời trang Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất giày da, túi xách da, bao tay, hay nhà máy sản xuất hàng may mặc, điện tử của Công ty Georgle Gloria Company Limited...

Theo ông Hà Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, địa phương trước đây chỉ có trục quốc lộ 37 là huyết mạch nhưng lệch đông, còn trục Bắc - Nam đồng đều hơn giữa các xã. Đường mới sẽ là cơ hội, động lực mới cho các xã phía tây của huyện gồm Văn Giang, Văn Hội, Tân Quang, Hoàng Hanh, Quang Hưng, Kiến Quốc vốn đã "ngủ quên" trong một thời gian rất dài thức tỉnh. Tập trung phát triển có hiệu quả cụm công nghiệp Hồng Phúc - Hưng Long đã có, sau khi đoạn đường đưa vào khai thác có thể huyện sẽ đề xuất thêm cụm công nghiệp khác như Hồng Đức - Tân Phong nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư. Đây là cơ hội để nguồn lao động còn khá dồi dào ở khu vực này cũng như của huyện Thanh Miện và huyện Quỳnh Phụ có việc làm ổn định. Trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra một trục phát triển mới, phát huy hiệu quả kinh tế vùng chứ không của riêng huyện Ninh Giang. "Địa phương mong muốn giai đoạn 2 của đường trục Bắc - Nam thi công đúng tiến độ, hoàn thành trước Tết Canh Tý để người dân vui đón Tết", ông Nghị cho biết thêm.

TIẾN HUY

Đường trục Bắc - Nam dài khoảng 60 km, quy mô đường cấp II đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, tổng vốn đầu tư hơn 1.407 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Sáng 17.7, UBND tỉnh tổ chức thông xe đoạn đường trục Bắc - Nam từ đường tỉnh 392 đến cầu Hiệp, đi qua 6 xã của huyện Ninh Giang. Các nhà thầu đang thi công đoạn từ xã Thống Kênh đến Toàn Thắng (Gia Lộc) dài khoảng 10,4 km. Hiện đã thi công xong toàn bộ cọc khoan nhồi, mố trụ và đúc xong 30 dầm cầu Hồng Đức. Toàn bộ đoạn này dự kiến thông xe trước Tết Canh Tý.

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/duong-moi---co-hoi-moi-115144