Đường sắt đô thị hút khách, nhưng tiến độ thực hiện dự án còn chậm

Đường sắt đô thị là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao và là xương sống trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là với Hà Nội. Điều này đã và đang được thực tế chứng minh khi lượng khách chọn tham gia phương tiện này ngày một đông và mang tính ổn định cao. Tuy nhiên, để đường sắt đô thị thật sự phát huy hết hiệu quả, theo các chuyên gia giao thông, thành phố nên tập trung đẩy nhanh việc thực hiện các tuyến còn lại.

Đường sắt đô thị hấp dẫn người dân

Ngày 16/10, trao đổi nhanh với phóng viên, ông Vũ Hồng Trường Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, sự quan tâm của người dân đến tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội; Cát Linh-Hà Đông cũng là niềm vui của đội ngũ xây dựng Hanoi Metro. Thống kê cho thấy, sau 3 năm đưa vào hoạt động, tuyến Cát Linh- Hà Đông đã dần đi vào ổn định.

Ngày càng có nhiều người dân lựa chọn di chuyển bằng đường sắt đô thị.

Ngày càng có nhiều người dân lựa chọn di chuyển bằng đường sắt đô thị.

Ngày thường từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày đường sắt trên cao phục vụ khoảng 44.000 lượt khách. Lượng khách giảm gần một nửa vào thứ 7 và Chủ nhật, dao động từ 22.000-25.000 lượt/ngày. Với tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, theo ông Vũ Hồng Trường, lượng khách từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày toàn tuyến phục vụ khoảng 17.000-18.000 lượt khách. Vào ngày cuối tuần, lượng khách lại giảm đi, còn khoảng 15.000-16.000 lượt.

Ông Trường cũng thông tin thêm, sau khi cả hai tuyến đưa vào khai thác, nhiều người dân đi trải nghiệm và đã thấy có sự khác biệt giữa hai tuyến metro. Cụ thể, metro Cát Linh - Hà Đông có sức chứa 960 hành khách, bao gồm cả hành khách ngồi và hành khách đứng (tỷ lệ ghế ngồi chiếm 15%). Còn tuyến Nhổn - ga Hà Nội có sức chứa 944 hành khách, (tỷ lệ ghế ngồi chiếm 10%).

Ngoài ra, so với tàu Cát Linh - Hà Đông, tuyến Nhổn - ga Hà Nội có tốc độ và tính năng gia tốc lớn hơn. Vì có tốc độ lớn hơn nên bắt đầu khởi hành sẽ “hơi giật” so với tuyến tàu trước đây. Bên cạnh đó, trong quy trình công tác, tới mỗi bến lái tàu phải xuống đi ra một lần (vừa để quan sát an toàn vừa nhằm chống ngủ gật). Tàu metro Nhổn - ga Hà Nội có nút chống ngủ gật và camera nên lái tàu không phải rời vị trí khi tàu đến ga.

Về hệ thống thu soát vé tự động, tuyến Cát Linh - Hà Đông chỉ bố trí một bên nhưng ở metro Nhổn - ga Hà Nội, khu vực bán vé được bố trí cả hai bên. Đặc biệt vé ở tuyến Nhổn - ga Hà Nội có nhận dạng khách hàng. Việc này giúp hạn chế tình huống cho người khác mượn vé. Đây cũng là điểm khác biệt, cũng là ưu điểm của hệ thống này.

Để đáp ứng nhu cầu vận tải, yêu cầu phát triển tại các đô thị lớn, Chính phủ đã quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 413km và 3 tuyến monorail với tổng chiều dài khoảng 44km. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành đai nối các trung tâm chính của thành phố với chiều dài khoảng 173km; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray.

Tiến độ các dự án đường sắt đô thị đều chậm so với dự kiến.

Thực hiện Luật Quy hoạch, hiện nay mạng lưới đường sắt đô thị hai thành phố đã được tích hợp vào hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, theo đó: đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội dự kiến điều chỉnh bổ sung khoảng 200,7km; thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2035 dự kiến xây dựng hoàn thành khoảng 183km, đến năm 2045 dự kiến điều chỉnh bổ sung khoảng 168,36km, đến năm 2060 bổ sung khoảng 159km.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã định hướng quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị trong một số quy hoạch tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh.

Quy hoạch là thế nhưng trên thực tế, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều chậm so với dự kiến. Đến nay, thành phố Hà Nội mới đưa vào khai thác 21,5km đạt khoảng 25,3% tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020. Từ đó dẫn tới thị phần vận tải đường sắt đô thị chưa đáp ứng được khoảng 15-20% nhu cầu vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như quy hoạch đề ra.

Thông tin từ Bộ GTVT, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm điểm các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, xử lý khó khăn vướng mắc, tháo gỡ cơ chế kịp thời nhằm đảm bảo tiến độ các dự án đường sắt đô thị triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng với đó, cũng tại hai thành phố lớn đã thành lập các doanh nghiệp nhà nước để tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn và đang tiếp tục hoàn thiện bộ máy, đào tạo nhân lực quản lý vận hành; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách giá vé… để khai thác tối ưu loại hình giao thông công cộng này.

Được biết, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn các thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2024 là 59.440,3 tỷ đồng, trong đó: Thành phố Hà Nội là 23.829,7 tỷ đồng để thực hiện đầu tư đối với 2 dự án (Tuyến số 3.1 Nhổn - ga Hà Nội và tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) và thành phố Hồ Chí Minh là 35.610,6 tỷ đồng để thực hiện đầu tư với 2 dự án (Tuyến số 1 thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên và tuyến tàu điện ngầm số 2 thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương).

Để thúc đẩy tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án, Chính phủ đã chỉ đạo thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án trên địa bàn: Tuyến số 3 giai đoạn 2 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc; tại thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai chuẩn bị đầu tư tuyến Metro số 5 giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy hiền - cầu Sài Gòn).

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/duong-sat-do-thi-hut-khach-nhung-tien-do-thuc-hien-du-an-con-cham-i747408/