Duy trì mức 2% kinh phí giúp đảm bảo hoạt động công đoàn

Thảo luận tại hội trường ngày 24/10 về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, trao đổi là quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng việc duy trì mức 2% kinh phí công đoàn là cần thiết, bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, người lao động.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận tại hội trường.

Cần thiết duy trì mức kinh phí công đoàn 2%

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình với việc tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% và quy định như dự thảo luật. Theo Đại biểu, nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm, kể từ năm 1957 có Luật Công đoàn đến nay, nguồn kính kinh phí này được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để trực tiếp chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động như thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa, thể thao...

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn như quy định tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn đối với các tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, Đại biểu cho rằng, khi thực hiện chính sách này nguồn thu từ kinh phí công đoàn dự kiến sẽ giảm. Tuy nhiên, khi đó công đoàn cấp trên vẫn thực hiện hỗ trợ, bảo vệ và duy trì quyền lợi cho đoàn viên, người lao động tại công đoàn cơ sở khi thuộc trường hợp tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí.

Do đó, theo đại biểu Trần Nhật Minh, việc luật hóa và tiếp tục duy trì mức 2% kinh phí công đoàn như quy định của dự thảo Luật là hết sức cần thiết, bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, người lao động, trách nhiệm trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang chia sẻ, thực tế tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ cho thấy nguồn thu kinh phí công đoàn cùng với các nguồn khác là cơ sở rất quan trọng để tổ chức cho hoạt động của công đoàn và xây dựng nguồn lực đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công đoàn từ trước đến nay.

Đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng, để chăm lo, gắn kết lâu dài của người lao động đối với doanh nghiệp và đặc biệt là hoạt động của tổ chức công đoàn, việc thu 2% kinh phí này là hợp lý và đảm bảo được hoạt động của công đoàn một cách bền vững. Nội dung này cũng kế thừa những kết quả thực thi Luật hiện hành.

Cần có nguyên tắc phân chia kinh phí công đoàn

Quan tâm đến nội dung phân chia kinh phí công đoàn, đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho biết, dự thảo không quy định cụ thể các phương án phân chia kinh phí công đoàn cho các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là phù hợp, tuy nhiên cần quy định nguyên tắc phân chia, cơ quan có thẩm quyền phân chia.

Đại biểu này cho rằng, việc phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp nên giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định. Điều này vừa tạo sự linh hoạt, phù hợp với nhiệm vụ từng cấp công đoàn và tình hình thực tiễn của từng giai đoạn, vừa đảm bảo quyền tự quyết công việc nội bộ của công đoàn.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng tán thành với việc không quy định cụ thể về phương án phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu quy định đảm bảo cơ chế để thực hiện nội dung này.

Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, việc phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp cần quy định cụ thể là giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định như thực tiễn từ trước đến nay. Công đoàn vẫn đang làm nhiệm vụ này đảm bảo tính linh hoạt trong công tác quản lý, tùy theo nhiệm vụ của từng cấp công đoàn và tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân phối kinh phí công đoàn cho phù hợp và đảm bảo được quyền tự quyết trong công việc nội bộ của công đoàn theo thông lệ quốc tế.

Cũng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc bỏ hẳn quy định về phân phối kinh phí công đoàn giữa công đoàn cơ sở và tổ chức của người đại diện tại doanh nghiệp dẫn đến việc phân phối này trong bối cảnh có nhiều tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không có sự rõ ràng. Do vậy, Đại biểu đề xuất cần có quy định về thẩm quyền, nguyên tắc, việc phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để làm cơ sở thực hiện.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang nhận thấy, nếu không có nguyên tắc, Chính phủ không có cơ sở luật hóa làm căn cứ để thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Do đó, Đại biểu đề xuất phải có quy định về vấn đề này, trong đó, cần nâng cao trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/duy-tri-muc-2-kinh-phi-giup-dam-bao-hoat-dong-cong-doan.html