Em là vợ lính

Hòa biết là vợ lính sẽ vất vả nhưng bố anh cũng từng là lính biển. Cô muốn theo gương mẹ và vì tình yêu cô có thể vượt qua tất cả.

- Con sẽ lấy anh Dũng. Con yêu anh ấy, vất vả thế nào con cũng chịu được. Con suy nghĩ kỹ rồi. Mẹ đồng ý cho chúng con lấy nhau, mẹ nhé!

Hòa chăm chú chờ đợi phản ứng từ mẹ. Bà Xuân buông đũa nhìn con gái, khẽ thở dài. Bà không ghét Dũng, thậm chí còn quý cái tính hay lam hay làm, hiền lành chịu khó của cậu trai chân chất ấy. Nhưng giao cả đời đứa con gái duy nhất mà bà hết mực yêu thương cho Dũng thì bà không yên lòng.

Bà gắp thức ăn vào bát cho Hòa, lảng sang chuyện khác:

- Trời đánh còn tránh bữa ăn, việc quan trọng thế ai lại nhè bữa ăn mà nói. Chịu khó ăn uống vào, cứ thức đêm chấm bài, soạn giáo án, mệt rũ ra, người lại xanh như tàu lá.

Bà Xuân là vợ lính đảo. Ông bà lấy nhau gần 30 năm nhưng số lần vợ chồng gần gũi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cưới xong ông đi biền biệt, mọi việc trong gia đình một tay bà gánh vác. Một đời làm vợ lính, không thể kể hết những khó khăn, vất vả mà bà phải chịu đựng và cố gắng vượt qua. Khi bà mang thai Hòa, tiếng là có chồng song từ khi mang thai đến vượt cạn, bà đều thui thủi một mình. Bà sinh mổ, nằm viện mười ngày, quanh đi quẩn lại chỉ có mẹ chồng và mẹ đẻ ra vào chăm sóc. Các sản phụ cùng phòng xì xầm bàn tán hay bà chửa hoang.

Hòa 2 tuổi, chồng bà mới biết mặt con. Ngày bố đẻ mất, ông cũng chẳng thể về. Tất cả, từ đối nội, đối ngoại, dựng nhà, dựng cửa, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ hai bên… đều một tay bà quán xuyến. Bà đã định sắp xếp thời gian đi thăm nơi ông công tác một lần mà việc nọ việc kia, cuối cùng cũng không đi được. Những cái tên vừa quen vừa lạ như Song Tử, Phan Vinh, Sinh Tồn, Núi Le… với mẹ con bà là cả trời thương nhớ. Bà chỉ biết đến sóng gió Trường Sa qua những lá thư và cuộc gọi của chồng.

Thương chồng, bà hết lòng lo toan để ông yên tâm làm tròn nhiệm vụ giữ gìn biên cương hải đảo. Nhưng nhiều lúc cũng tủi thân lắm. Mấy chục năm trời đằng đẵng như thế, lúc đến tuổi nghỉ hưu thì ông ra đi vì mắc bệnh hiểm nghèo, để lại bà và Hòa cô đơn.

Thấy Hòa chống đũa ngồi im, bà Xuân buồn bã nói:

- Con đừng trách mẹ. Mẹ không muốn con lấy Dũng chỉ vì mẹ thương và lo con vất vả.

Hòa không trách mẹ. Cô cũng không bao giờ quên những năm tháng bố đi công tác xa nhà, mẹ còng lưng đạp xe ngược gió để kịp chuyến chợ chiều, nhận may vá thêm quần áo sau mỗi giờ tan dạy. Suốt tuổi thơ của cô, bố chưa một lần đến trường đón cô, các buổi họp phụ huynh học sinh cũng luôn vắng bố. Những ngày mưa bão, gió giật tung mái nhà, giường ngủ và cả căn phòng đầy nước, không có góc nào trên giường mà không ướt sũng. Nhìn mẹ can đảm trèo lên mái nhà che che, đậy đậy, rồi lại vội vàng tụt xuống múc từng xô nước mưa hòa nước cống hôi thối nồng nặc đổ ra ngoài sân, Hòa chỉ ước có bố ở bên đỡ đần cho mẹ. Hình ảnh bố trong bộ quân phục màu xanh đẹp đẽ, ngôi sao năm cánh trên mũ và nụ cười rạng rỡ luôn là điểm tựa tinh thần cho mẹ, giúp mẹ gắng gỏi vượt mọi khó khăn, kiên nhẫn, thủy chung đợi bố hoàn thành nghĩa vụ trở về.

- Mẹ có thể chấp nhận tất cả để yêu và lấy bố thì con cũng có thể vì anh Dũng mà theo gương mẹ.

Nghe giọng bướng bỉnh của Hòa, bà Xuân phì cười. Bà đổi buồn thành vui:

- Cha bố chị, chỉ được cái vớ vẩn. Ai cần chị ở với mẹ đến già. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời...

Hòa ôm mẹ, gục đầu vào vai mẹ. Cô biết bao năm qua, mẹ thui thủi thiệt thòi, chịu thương, chịu khó. Nhưng những câu chuyện của bố về trùng dương mênh mông, về đồng đội đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc khiến Hòa thêm khâm phục người lính nơi đầu sóng, ngọn gió.

Bố kể ngày nào cũng vậy, ngoài luyện tập chiến thuật, phòng thủ, võ thuật, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải bơi được ít nhất 15 km. Họ có thể ở lâu dưới nước cả ngày. Họ được tàu đưa ra xa rồi tự bơi vào đảo nên ai cũng bơi rất giỏi. Sống và luyện tập khổ cực, song những người lính rất vui vẻ, tích cực. Những đêm trăng sáng, ở nơi chỉ có mây trời và vi vu gió mát, những người lính cất cao tiếng hát về đất liền thương nhớ, về Trường Sa thân yêu trong tiếng sóng biển rì rào.

*

Khi hiệu trưởng thông báo sắp tới, Quân chủng Hải quân sẽ bố trí cho một số cán bộ, giáo viên ra thăm đảo Trường Sa, ngay lập tức Hòa viết đơn đăng ký tham gia. Cô biết số lượng người đi có hạn nên hồi hộp chờ đợi kết quả. Buổi trưa, sau giờ làm việc, hiệu trưởng gọi cô vào phòng, thân mật bảo:

- Cháu viết đơn xin đi Trường Sa rất tha thiết. Chú đọc và thực sự cảm động. Bố cháu đã nhiều năm công tác ở đảo nên cháu sẽ được ưu tiên ra thăm đảo lần này.

Hòa vỡ òa vì sung sướng. Cô không kìm được cảm xúc, miệng cười mà hai mắt rưng rưng. Vậy là mơ ước bao lâu nay của cô đã thành sự thật. Cô rối rít cảm ơn hiệu trưởng. Ông nhìn cô cười hiền.

Rời khỏi phòng hiệu trưởng, Hòa vui như đứa trẻ được may áo mới. Cô biết mẹ sẽ lo lắng khi nhận tin này nhưng chắc chắn mẹ không cản cô, vì mơ ước một lần ra thăm Trường Sa- nơi công tác của bố là khát khao cháy bỏng mà mẹ chưa thực hiện được. Cô cũng sẽ giữ bí mật tin này với Dũng để tạo bất ngờ cho anh. Khỏi phải nói anh sẽ ngạc nhiên thế nào khi cô xuất hiện trước anh bằng xương bằng thịt. Cô và Dũng quen nhau trong một lần giao lưu giữa đơn vị anh và khối các trường THPT của thành phố. Dũng là chiến sĩ mới nên khá e dè. Lúc được đơn vị đề nghị lên hát bài “Tổ quốc gọi tên mình”, cô thấy tay anh run run. Vậy mà khi âm nhạc nổi lên, đứng trên sân khấu, Dũng hát say sưa và tha thiết khiến cả hội trường rưng rưng cảm động.

Anh công tác tại Lữ đoàn Tên lửa và đây là lần đầu tiên được tham gia giao lưu quân dân trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới. Anh có giọng hát rất truyền cảm, lôi cuốn. Lúc sắp chia tay, Hòa len qua đám đông xin anh số điện thoại, định bụng sẽ mời anh tham gia giao lưu với chi đoàn trường cô khi có dịp. Chỉ qua vài lần nhắn tin, gọi điện, anh và cô cảm mến nhau lúc nào không biết. Trước khi ra Trường Sa công tác, anh ngỏ lời với cô.

*

Hòa say sóng. Say dữ dội tưởng chết đi, sống lại. Cô nằm bẹp trên tàu suốt ba ngày, chỉ uống chút nước. Mấy chị cùng phòng cũng đang nôn thốc, nôn tháo. Vài ngày sau, dần thích nghi, Hòa dậy xuống phòng ăn cơm với mọi người. Đêm đến, cô ngồi trên boong tàu, thả ánh mắt mơ mộng ngắm hàng trăm vì sao đang soi mình xuống biển đêm lấp lánh.

Ngày thứ tư của hành trình, tàu KN290 đưa đoàn đến vùng đảo Gạc Ma, Len Đao. Cả đoàn đứng trên boong tàu làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong sự kiện Gạc Ma. Mắt ai cũng đỏ hoe. Nhiều cô giáo trẻ rơi nước mắt. Hòa nhớ những lời bố kể về 64 cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và mãi mãi nằm lại giữa trùng khơi mênh mông. Sống mũi Hòa cay nồng. Cô bật khóc thành tiếng khi thả đóa cúc trắng cùng 64 con hạc giấy do chính tay cô gấp xuống biển, tri ân những người con quê hương đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Ngày thứ năm của hành trình, đảo Trường Sa Lớn- nơi bố Hòa đã công tác gần 30 năm chào đón cô và cả đoàn trong cái nắng dịu mát. Khi tàu cập vào cầu cảng, Hòa tự véo mình một cái thật đau để xác nhận đây không phải giấc mơ cô đã đặt chân lên đảo Trường Sa.

Cán bộ chiến sĩ Trường Sa tập trung rất đông ở dưới cầu tàu chuẩn bị đón đoàn. Mẹ đúng là vợ lính, khi biết Hòa ra thăm Trường Sa, mẹ chuẩn bị cho Dũng bao nhiêu vật dụng cá nhân cần thiết. Dù Hòa nhắc đi nhắc lại ngoài đảo bây giờ khác thời của bố nhiều lắm, không thiếu thứ gì ngoài rau xanh và nước ngọt nhưng mẹ không nghe.

- Hòa ơi! Anh đây! Anh đây!

Hòa sững người khi thấy Dũng đang đứng trong đám đông, tay giơ thật cao gọi cô. Lạ thật! Sao Dũng biết cô có mặt trong đoàn ra đảo lần này? Cô đã giữ kín để anh bất ngờ cơ mà. Hòa vừa rời khỏi cầu tàu, Dũng đã chạy tới ôm chầm lấy cô. Anh trao cho cô một bó hoa thật to, toàn những loài hoa ở đảo, do chính tay anh và đồng đội vun trồng. Hòa rơm rớm nước mắt. Cô cứ ngây người ra vì ngạc nhiên. Cô định tạo bất ngờ cho anh, ai ngờ chính anh lại làm cô ngỡ ngàng, cảm động.

Sau lễ chào cờ thiêng liêng trên đảo, đoàn công tác của Hòa đến dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác và các chiến sĩ Trường Sa biết Hòa là người yêu của Dũng nên cố ý dành nhiều thời gian cho đôi uyên ương. Đêm ấy, khi mọi người còn say sưa ca hát bên đống lửa bập bùng, Dũng dẫn Hòa đi dạo một vòng ven biển. Ngồi bên Dũng, ngả đầu vào vai anh, Hòa mới cảm nhận hết được cái mặn mòi của sóng gió trùng khơi. Chưa bao giờ cô thấy biển đẹp và thiêng liêng đến thế! Cô thì thầm hỏi Dũng:

- Sao anh biết em đến Trường Sa?

Dũng cười hóm hỉnh:

- Mẹ vợ tương lai cho anh biết đấy. Mẹ gọi điện nhờ anh chăm sóc chu đáo cho vợ anh những ngày ở đảo.

Ôi mẹ, thế mà Hòa không đoán ra. Cô dụi đầu vào vai anh nũng nịu:

- Giờ mẹ lại quý anh hơn em rồi đấy.

Dũng khẽ vuốt tóc Hòa, mái tóc dài và đen bay trong gió.

- Nếu được nói một câu trước biển, anh biết em sẽ nói gì không?

Dũng khe khẽ lắc đầu. Anh nhìn cô chờ đợi. Hòa đứng dậy, bắc hai tay làm loa, cô hét lên thật to, át cả tiếng gió biển rì rào: “Em là vợ lính!”. Từng đợt sóng trào lên trắng xóa. Giọng Hòa tan vào trùng dương…

NGUYỄN ÁNH NGUYỆT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/em-la-vo-linh-394685.html