EU điều chỉnh cách tiếp cận với Trung Quốc
Tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 29-30/6 ở Brussels, Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) cho thấy cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc khi nhấn mạnh tới tính chất 'giảm thiểu rủi ro' thay vì 'tách rời'.
Trong quan điểm chính sách chính thức nhận được sự ủng hộ rộng rãi của toàn bộ các nước thành viên, Liên minh châu Âu nhấn mạnh, sẽ tiếp tục giảm bớt các yếu tố phụ thuộc trong quan hệ với Trung Quốc, bao gồm cả chuỗi cung ứng, đồng thời sẽ loại bỏ rủi ro và đa dạng hóa khi cần thiết và phù hợp.
Phát biểu với báo chí sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen nhấn mạnh, giảm thiểu rủi ro ngoại giao là trọng tâm trong cách tiếp cận của khối. Điều này cho phép Liên minh châu Âu cứng rắn với Trung Quốc về các vấn đề như Đài Loan hay quan hệ với Nga, nhưng đồng thời cũng để mở các kênh thương mại và đối thoại về các mối quan ngại chung như sự nóng lên của Trái Đất.
“Có một sự đồng thuận rộng rãi, cả giữa các nhà lãnh đạo ở đây và cả với các đối tác của chúng tôi trong G7, về khái niệm loại bỏ rủi ro chứ không phải tách rời khỏi Trung Quốc. Trong bất kỳ trường hợp nào, cũng sẽ không có sự tách rời bởi những thách thức toàn cầu chung và các mối quan hệ kinh tế sâu sắc của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần phải loại bỏ rủi ro cả về kinh tế và ngoại giao”, bà Leyen nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, EU và Trung Quốc có lợi ích chung trong việc duy trì các mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định, bắt nguồn từ sự tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đối thoại cân bằng và có đi có lại: “Chúng ta cần cân bằng lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và tính có đi có lại là từ khóa. Chúng ta cần giải quyết các lỗ hổng nghiêm trọng, cũng như bảo vệ lợi ích của mình chẳng hạn như trong vấn đề chuỗi cung ứng”.
Châu Âu chịu áp lực từ Mỹ phải cứng rắn hơn với Bắc Kinh, nhưng cũng không thể phủ nhận những lợi ích kinh doanh rộng lớn ở Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu lên tới 230 tỷ euro mỗi năm. Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc- Liên minh châu Âu được cho là đã bước vào giai đoạn “khởi động lại toàn diện” từ cuối năm 2022, với các cuộc đối thoại và trao đổi trên nhiều lĩnh vực.
Liên minh châu Âu cũng đang chứng kiến sự đồng thuận ngày càng tăng về việc duy trì ngoại giao hòa bình với Trung Quốc ít nhất là vào thời điểm hiện nay. Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng đan xen, những lựa chọn chính sách của EU sẽ tác động lớn đến thương mại, cũng như giải quyết các thách thức toàn cầu.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/eu-dieu-chinh-cach-tiep-can-voi-trung-quoc-post1029920.vov