EU thành lập lực lượng quân sự chung: Sự tan rã của NATO đã cận kề?
Việc EU thành lập lực lượng vũ trang của riêng mình có là dấu hiệu về sự cáo chung của NATO?
EU thành lập lực lượng quân sự chung
Mới đây, trả lời phỏng vấn của tờ Sunday Telegraph (Anh), Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã hoan nghênh các nỗ lực phòng thủ của Châu Âu, nhưng lưu ý, nỗ lực đó không bao giờ có thể thay thế được NATO. Châu Âu và Bắc Mỹ gắn bó với nhau, bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu mối liên kết Bắc Mỹ - Châu Âu sẽ không chỉ làm suy yếu NATO mà còn chia rẽ Châu Âu. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh EU sẽ thành lập một quân đội chung.
Theo một số nhà phân tích, việc Anh rời EU nâng kế hoạch hội nhập Châu Âu lên một cấp độ hoàn toàn mới - thành lập một Bộ Quốc phòng EU. Trong cuộc họp không chính thức của những người đứng đầu các cơ quan quân sự của EU, được tổ chức ngày 2/9 tại Ljubljana, Slovenia các vấn đề về hệ thống phòng thủ mới của EU và việc thành lập các lực lượng phản ứng nhanh của EU đã được xem xét. Ngày 21/10, 5 quốc gia châu Âu là Đức, Slovenia, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Phần Lan đã soạn thảo một văn kiện, trong đó, ủng hộ việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh toàn châu Âu.
Để đối phó với các cuộc khủng hoảng quân sự trong tương lai, sáng kiến do Đức và 4 quốc gia thành viên khác trong EU đưa ra nhằm mở rộng các nhóm chiến đấu hiện có của EU, vốn là các đơn vị quân đội đa quốc gia, với 1.500 nhân sự/đơn vị luôn sẵn sàng ứng phó khủng hoảng. Lực lượng phản ứng nhanh này dự kiến sẽ có biên chế cả về không gian và mạng, cùng các lực lượng đặc nhiệm và vận tải đường không.
Tháng 11/2018, Tổng thống Pháp Macron cũng đã đưa ra đề xuất thành lập lực lượng quân đội chung mới với tên gọi “Sáng kiến can thiệp Châu Âu”, hoạt động độc lập với Mỹ và chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình. Tổng thống Pháp nhấn mạnh, hiện nay châu Âu đang phải đối mặt trước một số lượng lớn các nỗ lực nhằm can thiệp vào các quá trình dân chủ nội bộ cũng như không gian nội bộ của châu lục này.
Nhiệm vụ của quân đội chung là đối phó với Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Mỹ. Ông Macron nhấn mạnh, việc EU cần tránh vết xe đổ “thành lập Quân đội chung châu Âu chỉ để làm công cụ của Mỹ” hoặc các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng nhưng cũng chỉ để mua thêm nhiều vũ khí Mỹ.
Nếu như tháng 11/2018 chỉ có 9 thành viên của EU tán đồng sáng kiến của Macron thì đến tháng 6/2021, có tới 14 thành của liên minh này ủng hộ. Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng EU tại Slovenia diễn ra vào tháng 11/2021 sẽ thông qua Đề án thành lập lực lượng phản ứng thống nhất ở Châu Âu. Với quy mô lên tới 20.000, có thể xem đây chính là Quân đội EU thống nhất ban đầu.
Pháp và Đức ủng hộ việc thành lập một quân đội chung châu Âu và nhấn mạnh rằng, các đơn vị quân đội EU mới sẽ không phải là đối trọng của NATO, chỉ bổ sung, mà không phải thay thế NATO. Nhưng ở NATO, sáng kiến của Pháp không tạo được cảm hứng cho dù thực sự được Mỹ chấp thuận.
Tại Hội nghị NATO diễn ra vào ngày 21-22/10 tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Mỹ được hưởng lợi từ các cấu trúc quân sự bổ sung cho NATO. Trong khi đó, ở Pháp, một số chính trị gia ủng hộ việc nước này rút khỏi NATO, vì họ cho rằng khối quân sự này đã tồn tại lâu hơn tính hữu dụng của nó và không phù hợp với thực tế hiện đại.
Sự tan rã của NATO đã cận kề?
Trên thực tế, với việc Brussels thành lập một đội quân thống nhất của riêng mình, bản thân sự hiện diện của các lực lượng NATO sẽ trở nên không liên quan. Theo một số nhà quan sát, với quyết định thành lập lực lượng vũ trang của riêng mình, một Châu Âu thống nhất sẽ hướng tới việc dỡ bỏ các căn cứ quân sự và rút khỏi NATO. NATO có thể chỉ có một con át chủ bài - vũ khí hạt nhân (của Mỹ), nhưng Pháp là một trong những thành viên chủ chốt của EU, cũng là thành viên của câu lạc bộ hạt nhân, hoàn toàn có khả năng cung cấp cho Liên minh một lượng đầy đủ đầu đạn nguyên tử nếu cần.
Tất nhiên, kịch bản các động thái này không khiến người Mỹ hài lòng. Thứ nhất, họ sẽ đánh mất ảnh hưởng trong lĩnh vực quan trọng của các lợi ích địa chính trị. Thứ hai, họ sẽ mất đòn bẩy đối với EU ngày càng tự chủ và thoát khỏi tầm kiểm soát. Thứ ba, nó gây ra tiền lệ nguy hiểm, khi quân đội Mỹ buộc phải rời khỏi các vùng lãnh thổ mà họ hiện diện.
Những nỗ lực nhằm tăng đóng góp ngân sách NATO do cựu Tổng thống Mỹ Trump khởi xướng, đã dẫn đến một tác dụng hoàn toàn trái ngược. Bộ máy hành chính Châu Âu coi đây là một nỗ lực để lấy tiền của họ. Mỹ kiên trì tìm kiếm sự tăng trưởng chi tiêu quốc phòng các đối tác NATO, ít nhất 2% GDP hàng năm. Năm 2020, chỉ có 8 trong số 27 thành viên EU đạt được mục tiêu này. Một kế hoạch đơn giản cho dòng tiền gần như trực tiếp từ ngân sách Châu Âu sang ngân sách NATO rõ ràng đã được tính toán ở Brussels. Người Châu Âu quan tâm nghiêm túc về tính hiệu quả của nó và NATO bắt đầu lo lắng.
Việc Mỹ gần đây thành lập AUKUS trở thành “giọt nước làm tràn ly” cho mối quan hệ vốn đã không mấy hòa thuận giữa Mỹ và Châu Âu. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói, EU cần phải đẩy nhanh việc xây dựng lực lượng quốc phòng độc lập. Sau khi người Châu Âu xây dựng hệ thống an ninh của riêng họ, việc chi tiêu cho các khoản đóng góp ngày càng tăng cho NATO, đặc biệt là 2% GDP, sẽ đơn giản là không thể chấp nhận được.
Vì vậy, vụ việc có thể kết thúc không chỉ với việc NATO rút quân và đóng cửa các căn cứ của Mỹ, mà còn với việc toàn bộ các nước EU rút khỏi NATO. Tại sao họ lại tài trợ cho một chương trình quân sự mà không bảo vệ được họ? Việc đó có thể đánh dấu sự khởi đầu của sự kết thúc không chỉ đối với ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở Châu Âu, mà đối với toàn bộ NATO với tư cách là một tổ chức.
Nếu không có các quốc gia EU, trong số 30 quốc gia thành viên NATO, sẽ còn lại chỉ có 9 thành viên, sau đó chỉ bao gồm Mỹ. EU vừa mới thực hiện bước đầu tiên không chỉ hướng tới xây dựng quân đội của riêng mình mà còn hướng tới sự tan rã của NATO. Nếu đúng như vậy, thì việc rút quân khỏi Afghanistan sẽ không còn là thất bại quân sự lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 21. Sự sụp đổ của NATO chắc chắn sẽ còn gây chấn động hơn nhiều./.