Eximbank lần đầu họp ĐHĐCĐ ở Hà Nội, bàn chuyện đổi trụ sở chính

Eximbank có thể chuyển trụ sở ra Hà Nội sau khi GELEX chính thức thâu tóm và sở hữu 10% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Eximbank đổi trụ sở chính ra Hà Nội?

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa chính thức thông báo về kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường, một sự kiện quan trọng đối với các cổ đông và giới tài chính.

Đại hội dự kiến diễn ra vào ngày 28/11, với ngày đăng ký cuối cùng để các cổ đông có quyền tham dự và biểu quyết là 29/10. Đây được coi là một trong những cuộc họp đáng chú ý của Eximbank trong năm nay.

Điểm đặc biệt trong thông báo lần này là địa điểm tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Không như thường lệ, Eximbank chọn tổ chức đại hội tại Hà Nội thay vì TP.HCM – nơi đặt trụ sở chính của ngân hàng.

GELEX chính thức thâu tóm và sở hữu 10% vốn điều lệ của Eximbank. Ảnh minh họa/internet.

GELEX chính thức thâu tóm và sở hữu 10% vốn điều lệ của Eximbank. Ảnh minh họa/internet.

Điều này đã thu hút sự quan tâm lớn từ các cổ đông cũng như giới chuyên gia tài chính, bởi Eximbank trước đây luôn tổ chức các cuộc họp cổ đông tại TP.HCM, nơi hoạt động chính của ngân hàng diễn ra. Việc chuyển địa điểm tổ chức đại hội ra Hà Nội có thể là dấu hiệu cho thấy những thay đổi lớn trong chiến lược và cơ cấu tổ chức của Eximbank.

Được biết, Eximbank chưa công bố địa điểm họp cụ thể và sẽ thông báo địa điểm cho cổ đông trong thư mời.

Tuy nhiên, nội dung họp lần này của ngân hàng nhằm thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank và các nội dung khác thuộc thẩm quyền.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm nay của Eximbank đã có tờ trình kế hoạch chuyển trụ sở từ Tầng 8, tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM sang tòa nhà Văn phòng (Fideco Center) tại số 28 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Tuy nhiên, tờ trình này không được các cổ đông tại đại hội thông qua, với tỷ lệ chấp thuận vỏn vẹn 1,02%.

Chờ đợi sự xuất hiện của GELEX

Eximbank tổ chức Đại hội cổ đông bất thường trong bối cảnh CTCP Tập đoàn Gelex (GEX) mới đây trở thành cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này, sau khi mua vào 174,7 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn Eximbank.

Trước đó, ngày 1/7, Eximbank đã công bố danh sách những cổ đông sở hữu trên 1%. Tại thời điểm này, GELEX cũng đã sở hữu 4,9% cổ phần của nhà băng này.

GEX được biết đến là một doanh nghiệp thành công ở các lĩnh vực như sản xuất thiết bị điện, hạ tầng, khu công nghiệp. Lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng, GEX đã trở thành cổ đông lớn nhất của Eximbank với tỷ lệ sở hữu là 10% vốn điều lệ. Đây cũng là mức tỷ lệ mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Hiện tại, hệ sinh thái của GELEX gồm nhiều doanh nghiệp có tiếng như Viglacera (VGC), Tổng công ty IDICO (IDC), Marina Holdings (MHC), Thiết bị điện Gelex (GEE), Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (VCW), và Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển KCN Dầu khí Long Sơn (PXL)…

Về tình hình tài chính, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, GEX ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.910 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.770 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận GEX tăng mạnh nhờ đóng góp từ việc hoàn tất một số giao dịch chuyển nhượng các dự án năng lượng tái tạo cho đối tác Sembcorp.

Năm 2024, GEX đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 32.303 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.921 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,7% và 37,5% so với thực hiện 2023.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, GEX đã hoàn thành 46,2% mục tiêu doanh thu và 92,1% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2024.

Suốt 35 năm hoạt động, bên cạnh các thành tựu, Eximbank cũng được biết đến là một trong những ngân hàng nhiều "tai tiếng" với hàng loạt sự kiện đáng quên.

Tai tiếng nhất là tình trạng biến động nhân sự cấp cao xoay quanh cuộc cạnh tranh ở thượng tầng. "Cuộc chiến" giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank diễn ra từ năm 2015, sau khi cựu Chủ tịch Lê Hùng Dũng quyết định rút lui.

Kể năm 2015 đến tháng 6/2023, Eximbank nhiều lần tổ chức ĐHĐCĐ bất thành. Nếu đủ điều kiện và tổ chức, đại hội của ngân hàng lại trở thành "sân đấu" của các nhóm cổ đông. Liên tục bổ nhiệm rồi bãi nhiễm, cứ thế các nhóm cổ đông lớn cũng dần rút lui.

Với những cái tên mới xuất hiện, nội bộ Eximbank bắt đầu ổn định. Kể từ ngày 26/4, Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh đã đảm nhiệm "ghế nóng" với nhiệm kỳ 2020-2025 tại ngân hàng này.

Không chỉ dừng lại ở "cuộc chiến vương quyền", hoạt động của Eximbank cũng từng khiến nhiều khách hàng lo ngại. Trong đó phải kể đến sự kiện gây chấn động khi một khách hàng đã phải gánh món nợ hơn 8,83 tỷ đồng do nợ thẻ tín dụng 8,55 triệu đồng từ năm 2013.

Với sức ép của dư luận và các động thái từ Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Eximbank cho biết ngân hàng đã thống nhất một số lãi nhất định với khách hàng này, qua đó giải quyết ổn thỏa vụ việc và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên.

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/eximbank-lan-dau-hop-dhdcd-o-ha-noi-ban-chuyen-doi-tru-so-chinh-192241009104538419.htm