Fed đang làm xẹp bong bóng tài chính mà không gây ra sự cố trên thị trường
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho đến nay vẫn chưa đạt được nhiều thành công trong việc chống lại lạm phát cao ngất ngưởng, nhưng chiến dịch thắt chặt tiền tệ của Fed đang có tác động lớn trong việc làm xẹp bong bóng tài sản đã phình to trong thời kỳ đại dịch.
Cho tới nay, thị trường tiền điện tử từng được định giá 3.000 tỷ USD đã bị thu hẹp hơn 2/3 giá trị. Cổ phiếu công nghệ được nhà đầu tư ưa chuộng đã giảm hơn 50%. Giá nhà đất nóng đỏ đang giảm lần đầu tiên sau 10 năm.
Điều quan trọng nhất, nhưng cũng đáng ngạc nhiên là tất cả những điều này đang xảy ra mà không làm ảnh hưởng đến hệ thống tài chính.
Giáo sư Jeremy Stein của Đại học Harvard và từng là Thống đốc Fed từ năm 2012 đến 2014 cho biết: “Thật đáng kinh ngạc. Nếu như nói với bất kỳ ai trong số chúng tôi một năm trước rằng chúng ta sẽ có một loạt đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, thì mọi người sẽ nói rằng: Bạn điên à? Điều đó sẽ làm nổ tung hệ thống tài chính”.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed từ lâu đã tránh sử dụng chính sách tiền tệ để giải quyết bong bóng tài sản, vì cho rằng việc tăng lãi suất là một công cụ “quá cùn” cho nhiệm vụ như vậy. Nhưng tình trạng giảm giá tài sản hiện tại có thể giúp Fed đạt được hạ cánh mềm trong nền kinh tế mà Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức Fed khác đang tìm kiếm.
Dù vẫn không thể loại trừ một cú sụp đổ mang quy mô lớn hơn trên thị trường tài chính rộng lớn, nhưng giai đoạn hiện tại đánh dấu sự tương phản rõ rệt với sự bùng nổ của bong bóng giá bất động sản ở Mỹ đã gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc từ năm 2007 đến 2009 và cuộc khủng hoảng cổ phiếu công nghệ đã đẩy nền kinh tế vào suy thoái nhẹ vào năm 2001.
Một phần là do nhận thức được những rủi ro và thực tế là Fed đã tăng lãi suất rất nhiều. Fed dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất còn 50 điểm cơ bản vào tuần tới, sau 4 lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp.
Đây là cách chiến dịch thắt chặt tiền tệ đã giúp ảnh hưởng đến thị trường tài sản cho đến nay:
Làm dịu thị trường nhà ở
Chi phí vay cực thấp cùng với sự gia tăng nhu cầu về bất động sản bên ngoài các trung tâm đô thị trong thời kỳ đại dịch đã khiến giá nhà đất tăng vọt. Tuy nhiên, nhu cầu này đang giảm xuống dưới sức nặng của lãi suất thế chấp tăng hơn gấp đôi trong năm nay.
Những cải cách tài chính được thiết lập sau cuộc khủng hoảng tài chính đã giúp đảm bảo rằng chu kỳ nhà ở mới nhất không có các kiểu nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng như đã thấy vào đầu những năm 2000. Đạo luật Dodd-Frank (còn gọi là Đạo luật Cải cách Tài chính Phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng là biện pháp ứng phó với hệ quả từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008) đã giúp các ngân hàng được vốn hóa tốt hơn nhiều và ít đòn bẩy hơn nhiều so với trước đây.
Lou Crandall, nhà kinh tế trưởng của Wrightson ICAP LLC cho biết, các ngân hàng cũng thu hút rất nhiều tiền gửi nhờ khoản tiết kiệm vượt mức mà người Mỹ đã tích lũy được khi ẩn náu trong đại dịch.
Nhà kinh tế trưởng Anna Wong của Bloomberg cho biết: “Cuộc suy thoái nhà đất này khác với cuộc suy thoái năm 2008 vì chất lượng tín dụng thế chấp đang cao hơn so với thời điểm đó”.
Thị trường tiền điện tử sụp đổ
Phần lớn sự đầu cơ trong đại dịch tập trung vào tiền điện tử. Thị trường này cũng được chứng minh phần lớn là một hệ sinh thái khép kín với các công ty bên trong hầu hết mắc nợ lẫn nhau. Một sự hội nhập rộng rãi hơn với hệ thống tài chính có thể đã làm cho tình trạng của thị trường này trở nên bất ổn hơn nhiều.
Stephen Cecchetti, cựu nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và giáo sư Đại học Brandeis cho biết: “Tiền điện tử không cung cấp bất kỳ dịch vụ nào cho hệ thống tài chính truyền thống hoặc nền kinh tế thực”.
Do đó, nhiều người tham gia trên thị trường đã bị ảnh hưởng bởi những đợt sụt giảm mạnh của tiền điện tử, nhưng hậu quả ở những thị trường khác là rất nhỏ.
Cổ phiếu công nghệ sụp đổ, nhưng không như giai đoạn bong bóng dotcom
Cổ phiếu của các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ từng phát triển thịnh vượng trong thời kỳ phong tỏa do đại dịch cũng đã lao dốc, thổi bay hàng nghìn tỷ đô la vốn hóa thị trường. Nhưng sự suy giảm đã diễn ra từ từ, trải rộng trong suốt năm ngoái khi lãi suất của Fed tăng cao hơn.
Mặc dù những tổn thất này ở quy mô lớn, nhưng vẫn chỉ là một phần nhỏ so với quy mô trong sự bùng nổ của bong bóng công nghệ vào đầu thế kỷ này. Chỉ số Nasdaq đã giảm hơn 30% so với mức cao đạt được vào năm ngoái, nhưng đã giảm hơn 80% vào giai đoạn bong bóng dotcom sụp đổ.
Thị trường chứng khoán nói chung thậm chí còn tăng trưởng tốt hơn, với chỉ số S&P 500 giảm khoảng 18% so với mức cao kỷ lục vào tháng 1.
Nhiều yếu tố chưa rõ ràng
Toàn bộ hậu quả tài chính từ chiến dịch chống lạm phát của Fed có thể vẫn chưa rõ ràng. Không chỉ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa, mà ngân hàng trung ương còn tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán thông qua chương trình thắt chặt định lượng.
Những cú sốc có thể xảy ra đột ngột như sự sụp đổ gần đây trên thị trường trái phiếu chính phủ Anh đã báo hiệu sự thận trọng. Và các nhà hoạch định chính sách không có nhiều thông tin như họ muốn về những gì đang diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng bóng tối ít được kiểm soát hơn.
Mặt khác, thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ trị giá 23,7 nghìn tỷ USD được cho là thị trường có tính thanh khoản và ổn định nhất trên thế giới. Nhưng nghịch lý thay, các quy tắc lấy cảm hứng từ Dodd-Frank đã khiến thị trường này trở nên dễ vỡ hơn bằng cách ngăn cản các ngân hàng lớn đóng vai trò trung gian trong việc mua và bán trái phiếu Kho bạc.
Cũng có lo ngại rằng thiệt hại tài chính từ chiến dịch thắt chặt của ngân hàng trung ương đã bị hạn chế vì các nhà đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đang bám vào niềm tin rằng Fed sẽ nhanh chóng giải cứu họ nếu thị trường lao dốc.
Nhà kinh tế trưởng Lindsey Piegza của Stifel Financial Corp. cho biết, mặc dù Fed có thể “làm dịu” nỗ lực thắt chặt tín dụng nếu cơ quan này phải đối mặt với sự gián đoạn tài chính lớn, nhưng hành động đó có thể chỉ là tạm thời.
“Fed đang quá tập trung vào việc chống lạm phát”, nhà kinh tế trưởng Lindsey Piegza cho biết.
Trong khi đó, cựu Phó chủ tịch Fed Alan Blinder nằm trong số những người lạc quan rằng Mỹ sẽ vượt qua chu kỳ hiện tại mà thị trường tài chính sẽ không bị thiệt hại quá mức.
“Mặc dù các nhà hoạch định chính sách luôn phải lo lắng về những gì họ không biết, đặc biệt là những ẩn số chưa biết, nhưng tôi lạc quan một cách hợp lý rằng thị trường có thể tránh được sự đổ vỡ”, ông cho biết.