G20 thảo luận về kinh tế, thương mại toàn cầu
Ngày 28-6, Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khai mạc tại Osaka, Nhật Bản, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế thành viên, cùng các quốc gia khách mời và các tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Trong hai ngày làm việc, các nhà lãnh đạo thảo luận những chủ đề về kinh tế thế giới, thương mại đa phương, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường... Trong đó, vấn đề tranh chấp thương mại, tác động đối với kinh tế toàn cầu được quan tâm và thảo luận ngay trong các phiên họp đầu tiên của hội nghị.
Tại phiên thảo luận về kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe nhấn mạnh, một nền kinh tế mở và tự do là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng; G20 cần phát đi thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do, công bằng và không phân biệt đối xử, đồng thời gia tăng động lực cho việc cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi G20 sử dụng tất cả các công cụ chính sách để dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu.
* Cùng ngày, tại cuộc họp của các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích các biện pháp mang tính bảo hộ làm bùng phát tranh chấp thương mại và đây là nguy cơ lớn nhất gia tăng sự bất ổn kinh tế toàn cầu. Tổng thống Nga V.Putin cũng cảnh báo, kinh tế thế giới đang trong tình trạng “rất đáng lo ngại”, khi thương mại toàn cầu phải chịu những tác động từ chủ nghĩa bảo hộ và những hạn chế mang động cơ chính trị. Thủ tướng Ấn Độ N.Modi cho rằng, sự phát triển kinh tế toàn cầu đang bị chi phối từ các quyết định đơn phương, bởi thế cần đẩy mạnh cải cách WTO nhằm bảo đảm phát triển cân bằng và bền vững.
* Trong khi đó, phát biểu với báo giới khi tham dự Hội nghị cấp cao G20 tại Nhật Bản, Chủ tịch Ủy ban châu Âu J.Juncker nhấn mạnh, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ hiện “rất khó khăn” và điều đó có thể kìm hãm sự phát triển kinh tế toàn cầu. Ông Juncker cho biết, Liên hiệp châu Âu (EU) đang phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước khác để thúc đẩy cải cách WTO, nhằm tạo sân chơi bình đẳng về thương mại.
* Ngày 28-6, các nhà lãnh đạo G20 đã có cuộc họp đặc biệt, lần đầu thảo luận và khẳng định tầm quan trọng của kinh tế số. Thủ tướng Nhật Bản S.Abe khẳng định, số hóa đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, thế giới cần xây dựng một thị trường, môi trường công bằng. Tổng thống Mỹ D.Trump nhấn mạnh, kinh tế số có thể bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ cải cách công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn...
* Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao G20 tại Osaka, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe và Tổng thống Mỹ D.Trump khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật và mong muốn củng cố, mở rộng hợp tác hai nước trong các vấn đề toàn cầu. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về thương mại song phương, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng vùng Vịnh...
* Trước đó, ngày 27-6, tại cuộc gặp trước thềm Hội nghị cấp cao G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản S.Abe đã đạt một thỏa thuận 10 điểm về thúc đẩy quan hệ Trung - Nhật phát triển bền vững. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, dù còn khác biệt, hai nước vẫn duy trì đà phát triển trong quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác đi đúng hướng.
* Ngày 28-6, trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị cấp cao G20, Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Mỹ D.Trump nhất trí tiếp tục thảo luận về cơ chế kiểm soát vũ khí; cải thiện quan hệ Mỹ - Nga, vì lợi ích của hai nước và cả thế giới. Thông cáo của Nhà trắng cho biết, tại cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ D.Trump nhấn mạnh, cơ chế kiểm soát vũ khí mới cần bao gồm cả Trung Quốc - một đối thủ chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai bên cũng thảo luận các vấn đề về Iran, Syria, Venezuela và Ukraine.
* Tổng thống Mỹ D.Trump cũng hoan nghênh “quan hệ thương mại ngày một lớn mạnh với Đức”, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức A.Merkel ngày 28-6, tại Osaka. Ông D.Trump khẳng định, quan hệ thương mại Mỹ - Đức đã đạt đến mức độ cao, song lãnh đạo Mỹ không đề cập vấn đề thâm hụt thương mại với Đức.
* Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ N.Modi, Tổng thống D.Trump tuyên bố, ưu tiên hàng đầu của Mỹ tại Hội nghị cấp cao G20 lần này là đạt được các thỏa thuận thương mại nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Ông cho biết, các triển vọng thương mại của Mỹ đang được cải thiện, đồng thời nhấn mạnh Mỹ có thể công bố “một số điều rất quan trọng” liên quan thương mại.
* Bên lề Hội nghị cấp cao G20, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ tổ chức cuộc họp cấp cao ba bên, trong đó nhất trí đánh giá hợp tác giữa ba nước là “yếu tố không thể thiếu” đối với sự thịnh vượng và ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ba nước khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường gắn kết, thúc đẩy hợp tác ba bên hướng tới hòa bình, thịnh vượng của cả khu vực...
* Tại cuộc gặp ngày 28-6, với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ N.Modi, Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có chung lập trường về hầu hết các vấn đề toàn cầu, cùng nỗ lực tăng cường sự ổn định chiến lược. Ba nước đều ủng hộ bảo vệ hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc, các quy tắc của luật pháp quốc tế. Hợp tác ba bên đóng góp đáng kể giải quyết các vấn đề của khu vực và toàn cầu.