G7 công bố các quyết định sau hội nghị thượng đỉnh

Các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 quốc gia giàu có (G7) đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh hàng năm kéo dài ba ngày ở Bavarian Alps, miền nam nước Đức. Dưới đây là một số quyết định nổi bật về những gì G7 đã nhất trí vào ngày cuối cùng hội nghị (28/6).

Trừng phạt Nga

Thông cáo cuối cùng của cuộc họp G7 cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm hiểu các biện pháp tiếp theo để ngăn chặn Nga thu lợi từ cuộc chiến của mình. Chúng tôi sẽ giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào các sản phẩm và hàng hóa liên quan từ Nga...".

Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã kết thúc sau 3 ngày làm việc. Ảnh: Reuters

Việc cấm và đặt trần giá dầu của Nga là một vấn đề lớn được đưa ra ở hội nghị G7. Ảnh: Reuters

G7 đưa ra nhiều tuyên bố về Trung Quốc, trong đó có việc thúc giục Trung Quốc kêu gọi Nga dừng cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Về vấn đề dầu, thông cáo cho biết: "Đối với dầu, chúng tôi sẽ xem xét một loạt các phương pháp tiếp cận, bao gồm các lựa chọn để có thể cấm toàn diện tất cả các dịch vụ vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá đã được thỏa thuận với sự tham vấn của các đối tác quốc tế… Chúng tôi mời tất cả các quốc gia có cùng quan điểm xem xét tham gia cùng chúng tôi trong các hành động".

Năng lượng

Thông cáo cho biết: “Phối hợp với IEA, chúng tôi sẽ khám phá các biện pháp bổ sung để giảm lạm phát và ngăn chặn các tác động thêm lên nền kinh tế và xã hội của chúng tôi, G7 và toàn cầu”.

"Chúng tôi khuyến khích các nước tăng sản lượng để giảm căng thẳng trên thị trường năng lượng và trong bối cảnh này hoan nghênh các phản ứng tích cực gần đây của OPEC... Chúng tôi kêu gọi họ tiếp tục hành động trong vấn đề này".

"Chúng tôi cam kết chấm dứt hỗ trợ cho lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch…, trừ những trường hợp ngoại lệ ở một số quốc gia nhưng vẫn phải phù hợp với giới hạn nóng lên 1,5 độ C và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris...”, thông cáo cho biết.

An ninh lương thực

Các thành viên G7 cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi cam kết hỗ trợ thêm 4,5 tỷ đô la để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất khỏi nạn đói và suy dinh dưỡng, lên tới tổng số hơn 14 tỷ đô la như cam kết chung của chúng tôi đối với an ninh lương thực toàn cầu trong năm nay”.

"Chúng tôi thực hiện cam kết giữ cho thị trường nông sản và thực phẩm của chúng tôi mở rộng và kêu gọi tất cả các đối tác tránh các biện pháp hạn chế thương mại phi lý làm tăng sự biến động của thị trường và do đó có nguy cơ mất an ninh lương thực".

"Chúng tôi cũng cam kết mở rộng các dịch vụ dinh dưỡng thiết yếu ở các quốc gia có gánh nặng suy dinh dưỡng cao nhất", thông cáo cho biết thêm.

Câu lạc bộ Khí hậu

"Chúng tôi đặt mục tiêu thành lập Câu lạc bộ Khí hậu để hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả Thỏa thuận Paris bằng cách thúc đẩy hành động vì khí hậu..., đặc biệt tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, qua đó giải quyết rủi ro rò rỉ carbon đối với hàng hóa phát thải nhiều, đồng thời tuân thủ các quy tắc quốc tế", G7 cho biết trong tuyên bố.

Thông cáo giải thích thêm: "Câu lạc bộ Khí hậu, với tư cách là một diễn đàn liên chính phủ với tham vọng cao, về bản chất sẽ bao trùm và mở cửa cho các quốc gia cam kết thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris và các quyết định khác, đặc biệt là Hiệp ước khí hậu Glasgow".

"Chúng tôi làm mới cam kết mạnh mẽ của mình và sẽ tăng cường nỗ lực thực hiện mục tiêu huy động tài chính khí hậu tập thể trị giá 100 tỷ đô la đến năm 2025 và càng sớm càng tốt", thông cáo nhấn mạnh thêm.

Trung Quốc

Thông cáo cho biết: “Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông... Chúng tôi nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách hàng hải bành trướng ở Biển Đông”.

Về cuộc chiến ở Nga, thông cáo có đoạn viết: "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc thúc ép Nga rút quân ngay lập tức và vô điều kiện khỏi Ukraine".

Nợ xấu, COVID-19 và bình đẳng giới

Về các khoản nợ xấu, thông cáo cho biết: "Với tình hình nợ xấu và có nhiều thách thức ở nhiều nước đang phát triển và thị trường mới nổi - với hơn một nửa số nước thu nhập thấp đang lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ lâm nợ cao - chúng tôi nhận thấy sự cấp thiết của việc cải thiện các khuôn khổ đa phương để tái cơ cấu nợ và để giải quyết các lỗ hổng về nợ".

“Để vượt qua đại dịch COVID-19 hiện nay, chúng tôi tái khẳng định cam kết cho phép tiếp cận công bằng trên toàn cầu và cung cấp vắc xin, thuốc điều trị, chẩn đoán và các mặt hàng y tế thiết yếu khác an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng”, thông cáo cho biết khi đề cập đến COVID.

Thông cáo có đoạn viết về bình đẳng giới: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ các nỗ lực để mở rộng khả năng tiếp cận toàn cầu với cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ em có chất lượng, bao gồm thông qua hỗ trợ tập thể 79 triệu đô la của chúng tôi cho Quỹ Khuyến khích Chăm sóc Trẻ em, qua đó cải thiện quyền kinh tế của phụ nữ...".

Hoàng Anh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/g7-cong-bo-cac-quyet-dinh-sau-hoi-nghi-thuong-dinh-post201611.html