Game online, có dừng lại là trò giải trí
Đa dạng hình thức, dành cho mọi lứa tuổi, chỉ cần điện thoại, máy tính có kết nối internet là cứ thoải mái chơi các game online. Tuy nhiên, game online rất dễ nghiện, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, các em 'cuốn' hết thời gian và công sức để 'cày' game ngày và đêm. Vậy game online có còn dừng lại là trò chơi giải trí hay mang những hệ lụy, ảnh hưởng đến thế hệ trẻ.
Từ sự thiếu kiểm soát…
Hiện nay, nhiều phụ huynh rất dễ dãi cho trẻ con sớm tiếp cận điện thoại thông minh, iPad, máy tính có kết nối internet để giải trí. Việc quảng cáo game online cũng rất phổ biến, có khi đang xem kênh youtube, chốc chốc có đoạn quảng cáo về thể loại game này, game kia, khiến trẻ con thích thú tải về máy chơi và không phải game online nào cũng phù hợp với trẻ con. Điều đáng lưu ý là nhiều phụ huynh không quan tâm con đang chơi game gì, có phù hợp với lứa tuổi.
Nhiều em trong độ tuổi học sinh chia sẻ, các em thích chơi game online hơn vì kết giao được nhiều bạn bè cùng sở thích và đa số game online là thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, chiến lợi phẩm là vũ khí để trang bị cho người chơi tự vệ. Các em cảm thấy thú vị hơn khi hóa thân thành nhân vật trong game và hoàn thành nhiệm vụ. Ban đầu các em tìm đến game vì sự giải trí, kết giao bạn bè nhưng thời gian sau, các em lại dành nhiều thời gian chơi game hơn, có em chơi mấy tiếng đồng hồ liền. Có những game online chơi bằng điện thoại cũng có game phải sử dụng máy tính mới chơi được. Ngoài chi tiền “nướng” vào tiệm internet thì người chơi cũng phải bỏ tiền để mua vũ khí trang bị…
Em Phú Quí, ở Phường 10 (TP. Sóc Trăng) chia sẻ: “Em bắt đầu chơi game khi còn học lớp 6, khi đó em bị nghiện, có hôm em trốn học thêm để đi chơi game. Khi rảnh, em chơi từ 5 – 6 tiếng đồng hồ. Game giúp người chơi giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi nhưng nếu không kiểm soát sẽ trở thành người nghiện game, bị game chi phối”.
Cô Lâm Thị Thu Liên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (TP. Sóc Trăng) đau đáu: “Muốn giáo dục đạt hiệu quả tích cực cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình vì yếu tố bên ngoài, nhất là những thói hư, tật xấu dễ bị tiêm nhiễm vào các em học sinh. Sau giờ học, trở về nhà, nhiều em không dành thời gian cho việc ôn bài hay hoạt động thể thao, giúp gia đình mà tập trung chơi game. Nếu như trước đây, điện thoại thông minh chưa phổ biến như bây giờ thì học sinh còn dành thời gian cho việc ôn bài nhưng giờ thì chơi game chiếm phần lớn thời gian ở nhà của các em. Có nhiều trường hợp học sinh bỏ học để đi chơi game. Trong giao tiếp, ứng xử cũng bị ảnh hưởng bởi game, như cách nói chuyện, hành xử như nhân vật trong game, thậm chí còn dùng những từ ngữ mang tính thách thức, bạo lực. Trong giờ lên lớp, giáo viên cũng lồng ghép tuyên truyền các em ý thức đến tác hại của việc nghiện game nhưng chính sự không quan tâm, nhắc nhở của phụ huynh, buông lỏng con em mình thì trước mắt là chuyện nghiện game bỏ học, tiếp đến sẽ có những ứng xử bắt chước giống như trong game, không quan tâm tới ai, thậm chí dùng bạo lực để giải quyết vấn đề”.
… đến hậu quả khôn lường
Thường cho con sử dụng điện thoại để chơi game nên chưa tròn 6 tuổi mà bé T. con chị T.Q.N, ở Phường 3 (TP. Sóc Trăng) rất “thạo” game. Do dành thời gian quá nhiều cho việc chơi game nên trong lời nói, hành động, T. dường như hóa thân vào nhân vật trong game. Có khi bị người lớn nhắc nhở việc gì, em lại lớn tiếng và dùng những từ thách thức, đòi đánh, bắn người lớn. Nhiều lúc, em lẩm bẩm một mình nói những điều làm mọi người không hiểu.
Thời gian gần đây, dư luận lo ngại khi có những vụ án mà hung thủ còn quá ít tuổi, nguyên nhân trực tiếp là do nghiện game online. Điểm qua các vụ án liên quan tới nghiện game trong giới trẻ mới thấy được phần nào sự nguy hại của nghiện game mà trước nay nhiều phụ huynh đã lơ là.
Mới đây nhất, tại Nghệ An, một nam sinh học lớp 11 bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra về cái chết của bé trai 5 tuổi. Nam sinh đã khai nhận là thường chơi game trên mạng nên bắt chước, bắt cóc bé trai mang lên rừng giấu, sau đó vào vai thám tử tìm kiếm, giải cứu bé để lập công. Thế nhưng hành vi đó đã khiến bé trai thiệt mạng vì bị bỏ đói, bỏ khát trong thời gian dài.
Cũng vì nghiện game mà Triệu Quân Sự (quê Thái Nguyên) từ một quân nhân lại đào ngũ, trộm tài sản người khác để có tiền chơi game và đã cướp của, giết người cũng bởi vì muốn có tiền tận hưởng thú vui duy nhất là game online. Và mức án chung thân dường như đã khép lại tương lai của thanh niên này. Dù đã 2 lần trốn trại giam với nhiều cách, Sự đã “qua mặt” được lực lượng chức năng nhưng lại không qua khỏi cơn “nghiện game”, Sự bị bắt giữ ngay tại quán internet khi đang chơi game.
Đã đến lúc, phụ huynh cần lưu ý đến con cái của mình, nhất là không để con em mình trở thành nạn nhân do nghiện game. Theo đó, biện pháp hiệu quả nhất chính là có sự quan tâm, đồng hành với con, tìm hiểu xem con đang giải trí những loại game nào, có phù hợp với lứa tuổi của con. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần có các phương pháp dạy con khoa học, kiểm soát khi con sử dụng điện thoại, chơi điện tử trực tuyến. Tạo điều kiện cho con có nhiều hoạt động bổ ích như chơi thể thao, dã ngoại, du lịch, ngày cuối tuần về quê… để con vui chơi, trải nghiệm và học hỏi nhiều điều bổ ích, trang bị cho mình kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe hơn là ngồi trước màn hình “hành xác” với game online.