Gần 1.000 vé giả trận Việt Nam - Thái Lan được 'sản xuất' như thế nào?
Sau khi mua 3 chiếc vé thật trận Việt Nam – Thái Lan, Kiên mang đến cửa hàng của Ấn cùng giấy A4 và chiếc USB có chứa phôi vé để đặt vấn đề chỉnh sửa vé trong USB và photocopy màu vé.
Ngày 23-11, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Văn Kiên (SN 1970, trú tại xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội); Nguyễn Khắc Ấn (SN 1968, trú tại số 1, ngõ 97, Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn Đình Chiến (SN 1991, trú tại Thanh Nghĩa, Đồn Xá, Hà Nam) để điều tra về tội “Làm, buôn bán tem giả, vé giả”.
Trong đó Bùi Văn Kiên là đối tượng tổ chức sản xuất và trực tiếp bán vé ra thị trường. Còn Ấn và Chiến là 2 đồng phạm.
Quá trình điều tra xác đinh, ngày 9-11, Bùi Văn Kiên mua 2 cặp vé xem bóng đá và 1 vé lẻ mệnh giá 500.000 đồng do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phát hành trận Việt Nam - UAE, diễn ra vào 20h ngày 14-11, tại khán đài B tầng 2 sân vận động Quốc gia Mỹ Đình để đi xem bóng đá. Sau khi mua được vé, Kiên thấy có nhiều người hỏi mua vé nên nảy sinh ý định làm vé giả để bán kiếm lời.
Kiên mang tập giấy A4 cùng 3 chiếc vé trận đấu Việt Nam - UAE mệnh giá 500.000 đồng mà mình đã mua đến cửa hàng photocopy của Nguyễn Khắc Ấn để đặt photocopy màu 180 vé bóng đá. Ấn trực tiếp photocopy vé cho Kiên, cứ mỗi tờ giấy A4 sẽ copy ra được 3 tờ vé giả có số sêri trùng với vé gốc. Tổng cộng, Ấn photocopy được 180 vé giả trận bóng Việt Nam – UAE trên 60 tờ giấy A4 theo yêu cầu của Kiên với tiền công 3.000 đồng/tờ A4.
Sau đó, Kiên mang số vé giả trên về nhà trọ tại phường Phú Đô, rồi mang ra khu vực quảng trường sân vận động Quốc gia Mỹ Đình chào bán cho khách.
Ở trận này, Kiên đã bán được 15 cặp vé giả trận bóng Việt Nam - UAE mệnh giá 500.000 đồng. Số tiền bán 15 cặp vé giả được khoảng 12 triệu đồng, Kiên đã tiêu xài cá nhân hết.
Thấy việc “sản xuất” vé giả và bán vé giả ở trận Việt Nam – UAE trót lọt, dễ dàng kiếm tiền, Kiên tiếp tục nảy sinh ý định “sản xuất” vé giả trận đấu Việt Nam - Thái Lan nhưng với thủ đoạn tinh vi hơn.
Kiên mua 3 chiếc vé thật trận Việt Nam - Thái Lan, sau đó quan sát thấy trên vé thật có dán tem hình tròn ghi dòng chữ: Trung tâm kỹ thuật TLNN - Bộ Công an - Bảo vệ an toàn, Kiên cũng nghĩ ra mẫu tem hình tròn có chữ “Trung tâm kỹ thuật TLNN - Bảo vệ an toàn – Bộ phận kiểm tra”. Cho nên, để “ sản xuất” được vé giả giống hệt vé thật, Kiên cũng tìm cách đặt in tem và đặt Công ty TNHH Đầu tư In Việt Nam do Nghiêm Văn Thành làm Giám đốc in 30.000 chiếc tem.
Kiên quan sát tem ở vé thật, tự vẽ theo mẫu tem sau đó đưa cho Dương Thị Thùy Dung, là nhân viên công ty để giao cho Đoàn Mạnh Quân (là nhân viên thiết kế) của công ty để tạo phôi mẫu tem trên máy tính. Quân tạo dựng và chỉnh sửa mẫu tem đúng theo mẫu của Kiên, rồi chuyển mẫu tem đến cho Công ty TNHH Đầu tư In Việt Nam do anh Nghiêm Văn Thành in ấn. Thành đã liên hệ với một cơ sở in ấn qua Facebook đặt in và hẹn Kiên ngày 18-11 đến lấy hàng.
Còn về phần “chế” vé, cũng tương tự như ở trận bóng trước đó giữa Việt Nam – UAE. Sau khi mua 3 chiếc vé thật trận Việt Nam – Thái Lan, Kiên mang đến cửa hàng của Ấn cùng giấy A4 và chiếc USB có chứa phôi vé để đặt vấn đề chỉnh sửa vé trong USB và photocopy màu vé. Do không thạo phần mềm chỉnh sửa trên máy tính, nên Ấn bảo Nguyễn Đình Chiến (là nhân viên cửa hàng) thực hiện.
Kiên bảo Chiến lấy phôi vé trong USB và chỉnh sửa số sêri, số ghế trên vé rồi photocopy màu ra thành 300 tờ A4 ( mỗi tờ A4 được 3 vé giả) với giá 6.000 đồng/tờ A4, được tổng cộng khoảng 900 chiếc vé giả trận Việt Nam – Thái Lan cho cả hai loại vé mệnh giá 500.000 đồng và 400.000 đồng. Sau đó, về nhà, Kiên lấy tem đặt in từ Công ty in Việt Nam dán vào vé và dùng dao rọc giấy tạo lỗ thủng trên vé giả giống hệt vé thật.
Sau khi có vé, Kiên đã rủ Lê Anh Tuấn cùng đi tiêu thụ số vé này. Mỗi vé bán được Kiên sẽ cho Tuấn 200.000 đồng. Tối 18-11, khi đang chào bán vé giả cho khách ở khu vực Quảng trường sân vận động Quốc gia Mỹ Đình thì Kiên bị Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện, bắt giữ.
Trao đổi về quá trình bóc gỡ đường dây “sản xuất” và tiêu thụ vé xem bóng đá giả với số lượng lớn này, Trung tá Đặng Mạnh Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ bảo vệ trận đấu giữa Việt Nam - UAE, tổ trinh sát Đội Cảnh sát hình sự Công an quận phát hiện tại khu vực khán đài B có trường hợp 2 khán giả có cùng một số vé và những chiếc vé cầm trên tay một số người có dấu hiệu bất thường. Đồng thời, các trinh sát cũng phát hiện một người đàn ông bán vé xem bóng đá có dấu hiệu nghi vấn bán vé giả, nhưng lợi dụng lúc đông người đã bỏ đi không theo dõi hết trận đấu.
Trước thời điểm diễn ra trận đấu Việt Nam - Thái Lan, người đàn ông này lại xuất hiện với số lượng lớn vé xem bóng đá. Anh ta đã bán cho 1 người phụ nữ 15 cặp vé với giá 2,8 triệu đồng/cặp. Người phụ nữ này đã bán được 4 cặp vé, 11 cặp còn lại nghi ngờ là vé giả nên đã trả lại.
Tổ công tác đã đưa người đàn ông nghi vấn bán vé giả về trụ sở cơ quan Công an để đấu tranh làm rõ. Người đàn ông này chính là Bùi Văn Kiên. Trung tá Đặng Mạnh Cường cũng cho biết, khám xét khẩn cấp nơi ở của Kiên ở phường Phú Đô, Công an quận Nam Từ Liêm đã thu giữ được 824 vé xem bóng đá trận Việt Nam – Thái Lan nghi vé giả, trong đó 338 vé mệnh giá 500.000 đồng, 486 vé mệnh giá 400.000 đồng.
Trưng cầu giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hà Nội cho kết quả toàn bộ 824 vé thu giữ tại nhà Kiên đều là vé giả. Ngoài số vé thu giữ tại nhà Kiên, cơ quan Công an còn thu giữ được gần 30 tờ vé giả khác từ một số đối tượng khác mua vé từ Kiên để bán lại cho khách ăn chênh lệch. Mỗi cặp vé giả được các đối tượng bán với mức giá dao động từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng.