Gắn chặt các 'mắt xích' trong chuỗi cung ứng
4 tháng đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%; cà phê 3.402 USD/tấn, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2023. Theo các chuyên gia, để duy trì những con số tăng trưởng ấn tượng nói trên, cần đảm bảo kết nối chặt chẽ chuỗi cung ứng nông sản.
Những mắt xích quan trọng
Gạo, cà phê và nhiều mặt hàng nông sản khác đều là thế mạnh của ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Từ giữa năm 2023 đến nay, giá các loại nông sản thế mạnh này đều tăng cao. Đơn cử như giá gạo, giá cà phê, hồ tiêu liên tục duy trì mức giá tốt ở thị trường thế giới. Đây là một tín hiệu vui cho thấy, giá trị xuất khẩu nông sản Việt ngày càng được nâng lên.
Song, mặt khác, cũng đặt ra một vấn đề đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa nông sản. Đó là, nguy cơ chuỗi cung ứng bị phá vỡ.
Sở dĩ nói như vậy là bởi, thời gian qua, dư luận chứng kiến giá cà phê tăng mạnh và duy trì ở giá “lập đỉnh” khi neo ở mức xấp xỉ 140.000 đồng/kg. Đây là mức giá đáng ngưỡng mộ của ngành hàng cà phê, bởi trước đó, giá cà phê chỉ duy trì quanh mức 45.000 đồng/kg, có nghĩa rằng, giá chỉ được bằng 1/3 giá trị hiện tại.
Cùng với việc giá cà phê tăng mạnh thì các DN trong ngành cũng cho biết, liên kết giữa các đầu mối và tính pháp lý trong kinh doanh cà phê đang bộc lộ sự lỏng lẻo. Khi giá cà phê tăng đột ngột, người nông dân lại không giao hàng cho đại lý, đại lý không giao hàng cho nhà xuất khẩu, nhà xuất khẩu không có nguồn hàng nên cũng không thể giao hàng cho các nhà rang xay nước ngoài, dẫn đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng...
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, trong dây chuyền sản xuất nông nghiệp, thủy sản, sản phẩm đầu ra của DN này là nguyên liệu đầu vào cho DN khác, tạo nên chuỗi liên kết khép kín từ khâu thu hoạch, thu gom nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản, chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Chính bởi vậy, chỉ cần một mắt xích trong chuỗi cung ứng bị lỏng, sẽ khiến cho cả chuỗi bị đứt gãy. Có thể thấy, sự liên kết chặt chẽ giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng là vô cùng quan trọng để duy trì xuất khẩu và nâng sức cạnh tranh, giữ chữ tín đối với các DN xuất khẩu.
Để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, tạo sự liên kết bền vững trong chuỗi cung ứng mặt hàng nông sản, các chủ thể tham gia cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ. Trên thực tế, thời gian qua, người nông dân và các DN chưa thực sự tìm được tiếng nói chung mặc dù từ phía cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực để kết nối tiêu thụ. Sản xuất chỉ thực sự phát triển bền vững khi có sự gắn kết với thị trường tiêu thụ để tránh tình trạng mất cân đối cung cầu “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa”. Ở phía người nông dân, vẫn chủ yếu tiến hành giao dịch với thương lái thay vì các DN lớn. Ở phía DN, chưa thực sự chú trọng vào việc thiết kế các chuỗi cung ứng khép kín để việc tiêu thụ nông sản ra thị trường bảo đảm yếu tố bền vững. Vì vậy, xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản nói chung và chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu nói riêng sẽ góp phần nâng cao giá trị mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tăng cường liên kết, chia sẻ hài hòa lợi ích
Theo GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia đầu ngành lúa gạo, ngành lúa gạo đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ. Cũng như các ngành nông sản khác, theo ông Xuân, muốn xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững, DN và nông dân phải tăng cường liên kết dựa trên nguyên tắc minh bạch trách nhiệm và chia sẻ cả lợi ích lẫn rủi ro. Trong số đó, nông dân thực hiện đúng quy trình sản xuất lúa gạo đạt chuẩn về chất lượng, truy xuất được nguồn gốc với giá thành tốt. DN công khai giá bán gạo ra thế giới và thỏa thuận giá thu mua với nông dân để cả hai bên đều có lãi, hài hòa lợi ích lâu dài.
Song song với liên kết sản xuất, vị chuyên gia cũng khuyến nghị các DN xuất khẩu thiết lập quan hệ hợp tác, thương mại lâu dài với các đối tác nhập khẩu. Điều này rất có lợi cho DN trong việc nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, từ đó phối hợp với nông dân vùng liên kết chủ động chuẩn bị nguồn cung phù hợp.
Trong chuỗi cung ứng, một mắt xích quan trọng chính là DN xuất khẩu, chính vì vậy, theo giới chuyên gia, các DN xuất khẩu nông sản cần thay đổi cách nhìn về vấn đề chất lượng của nông sản, thay vì chỉ loay hoay nâng cao chất lượng mặt hàng nông sản từ phía nhà sản xuất mà cần phải chú trọng và dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề chất lượng từ góc nhìn của thị trường nhập khẩu và người tiêu dùng.
DN cần lựa chọn những sản phẩm nông sản mà Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu cao để chuyển dịch cơ cấu sản xuất và xuất khẩu. Nói như chuyên gia Võ Trí Thành, chúng ta cần nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng trong nước cũng như thế giới để bán những sản phẩm họ cần chứ không phải bán sản phẩm mình có.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gan-chat-cac-mat-xich-trong-chuoi-cung-ung-10283234.html