Gạn đục khơi trong
Trong khi chưa thấy triển vọng có cuộc gặp cấp cao trực tiếp cũng như gián tiếp trong thời gian tới giữa Mỹ hay EU với Trung Quốc, thì lại có cuộc trao đổi trực tuyến giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sự kiện này càng đáng được chú ý đến sau khi cả trong khuôn khổ nhóm G7 hay trong Nato và quan hệ giữa EU với Mỹ mà Pháp và Đức đều là thành viên vừa mới đây đã biểu lộ sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động đối phó Trung Quốc. Từ sau khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden kiên định chủ ý tập hợp đồng minh và đối tác cùng đối phó Trung Quốc phục vụ cho cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc. Một trong những mục đích của ông Biden với chuyến công du châu Âu vừa mới rồi là gây dựng liên minh cùng đối phó Trung Quốc.
Trong bối cảnh tình hình như thế, sự kiện ngoại giao trực tuyến nói trên giữa Pháp, Đức và Trung Quốc cho thấy sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa Mỹ với các nước khác thuộc khối Phương Tây nhằm đối phó Trung Quốc chỉ tương đối chứ không tuyệt đối. Đức và Pháp, trong chừng mực nhất định đại diện chung cho EU, chỉ đồng thuận và phối hợp với Mỹ trong nguyên tắc chứ không phải trong tất cả các vấn đề cụ thể. Họ đồng hành với Mỹ trong đối phó Trung Quốc về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền, nhưng họ không cùng bước đều với Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc. Ở bất cứ đâu có thể làm được, Đức và Pháp luôn chủ ý duy trì sự độc lập với Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc.
Trung Quốc tận dụng thực trạng này để phân rẽ EU với Mỹ hoặc ít nhất để làm cho Mỹ không thể thành công với ý định lôi kéo EU về cùng phe cánh đối phó Trung Quốc. Cách tiếp cận "gạn đục khơi trong" như thế giúp Trung Quốc và những thành viên EU có cùng quan điểm về Trung Quốc như Pháp và Đức tiếp tục thúc đẩy được hợp tác trong khi bất đồng quan điểm cơ bản và mang tính nguyên tắc vẫn tồn tại.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gan-duc-khoi-trong-426239.html