Gắn nhu cầu với thực tiễn sản xuất
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn và là một trong những giải pháp tạo việc làm tại chỗ. Thời gian qua, huyện Chợ Mới đã tập trung thực hiện, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Triệu Thị An ở thôn Khuổi Đeng 2, xã Tân Sơn (Chợ Mới) đang tham gia lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống do cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp tổ chức tại địa phương, cho biết: Quá trình học, giảng viên của Công ty TNHH Trung tâm Đào tạo HITECH Hà Nội truyền đạt lý thuyết và những kỹ thuật trong quá trình thực hành rất dễ hiểu. Học viên nắm được những kiến thức cơ bản về lựa chọn nguyên vật liệu, kỹ thuật pha chế một số loại đồ uống cơ bản. Các kiến thức này rất bổ ích, không chỉ phục vụ đời sống, mà còn giúp học viên có thể tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập của của bản thân và gia đình, nhất là trong điều kiện hoạt động du lịch sinh thái (suối và thác Bản Lù) trên địa bàn trong thời gian tới phát triển hơn.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chợ Mới đã chủ động phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách liên quan tới công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức khác nhau. Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế của huyện. Đồng thời, đặt hàng tổ chức công tác đào tạo nghề với các đơn vị có chức năng đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh.
Ngành chức năng và cơ quan chuyên môn của huyện Chợ Mới đã thường xuyên điều tra, khảo sát nhu cầu của người dân để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nghề; xây dựng chương trình theo hướng mở, phù hợp thực tiễn, sát với yêu cầu, nguyện vọng của người học và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tham gia các lớp đào tạo nghề, học viên vừa được học lý thuyết vừa được thực hành, trong đó dành phần lớn thời lượng cho việc hướng dẫn, thực hành theo yêu cầu của từng ngành nghề.
ThS. Lương Thị Hát, giảng viên lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống tổ chức tại xã Tân Sơn cho biết: Qua quá trình tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà Công ty TNHH Trung tâm Đào tạo HITECH Hà Nội phối hợp tổ chức tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cơ bản học viên tham dự đầy đủ, tiếp thu nhanh.
Đối với lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống, nội dung chính gồm 2 modul "Tổng quan nghiệp vụ pha chế đồ uống", "Kỹ thuật pha chế đồ uống". Trong đó, phần lý thuyết có thời lượng hơn 40 giờ, cung cấp cho học viên kiến thức tổng quát về nghề pha chế đồ uống (các nguyên liệu, dụng cụ pha chế; công thức pha chế; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...). Phần thực hành chiếm thời lượng lên tới hơn 200 giờ, nên sau khi học xong thành thạo pha chế nhiều loại đồ uống khác nhau, từ cơ bản đến nâng cao, các loại đồ uống thịnh hành theo xu hướng hiện nay.
Thạc sĩ Lương Thị Hát:
"Ngoài việc có thể tự tạo việc làm trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch thì với chứng chỉ được cấp, sau khi tốt nghiệp học viên sẽ có thể làm việc ở các vị trí công việc khác nhau tại bộ phận pha chế đồ uống trong khách sạn, nhà hàng và các quán cà phê, quầy đồ uống...".
Theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện Chợ Mới tổ chức 32 lớp đào tạo nghề cho 1.120 người theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; 14 lớp đào tạo nghề cho 490 người theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Hiện các lớp đã và đang được triển khai theo kế hoạch. Nội dung của các lớp được xây dựng, tổ chức theo nhu cầu đăng ký của người dân, với các ngành nghề chủ yếu, gồm: "Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm", "Trồng và khai thác rừng", "Nuôi phòng trị bệnh cho lợn", "Pha chế đồ uống"...
Ông Vũ Hùng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chợ Mới cho biết: Tham gia các lớp đào tạo nghề, lao động nông thôn không chỉ được trang bị những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, mà còn được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Các lớp đào tạo nghề đã giúp lao động nông thôn từng bước nâng cao trình độ, tạo điều kiện tốt để tiếp cận các mô hình, đề án phát triển sản xuất. Qua đó góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh áp dụng kiến thức kỹ thuật và thực tế sản xuất, chăn nuôi và xây dựng các mô hình kinh tế. Thực tế cho thấy, phần lớn lao động sau học nghề có việc làm hoặc làm các công việc cũ nhưng năng suất cao hơn, góp phần phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/gan-nhu-cau-voi-thuc-tien-san-xuat-post66921.html