Gánh bắp qua sông

Chiều đi làm về, qua chỗ ngã ba có cô bán bắp nướng, tôi thường mua nên thành bạn hàng. Không những thích ăn bắp mà còn thích cả lúc đứng chờ bên bếp than hồng có mùi bắp nướng đan xen với mùi mắm nêm.

Hôm nay còn bắp nhưng cô chủ không muốn bán cho tôi, vì là bạn hàng thân thiết. Cô nói: “Bắp bữa nay lạt lẽo, không ngon, để mai có bắp ngọt hơn em bán cho anh”. Tôi ăn bắp nướng như thói quen, vừa ăn vừa xem ti vi và còn một lý do nữa là mẹ tôi cũng ăn được nửa trái… Quay lại chuyện mua bắp, thấy cô bán bắp chần chừ, tôi nói: “Ngọt, lạt gì cũng được…”, và tôi mua hai trái như mọi ngày.

Món bắp nướng, mỗi người có một cách ăn khác nhau; người thì thích ăn bắp còn non, không lảy được nhưng dẻo, mềm, thơm mùi sữa bắp. Người thì thích ăn bắp hơi già, lảy được từng hạt, nhai chầm chậm nghe giòn giòn, thơm thơm có mùi lửa than, tro bếp. Người thích ăn bắp không; người thích ăn bắp có mắm nêm rưới lên trái bắp. Riêng tôi thì không thích ăn bắp có mắm nêm nhưng lại muốn “nghe” mùi mắm thơm lựng bốc lên khi nó chạm vào than lửa hòa với mùi bắp cháy sem sém…

Hôm nay về nhà, cơm chiều xong, đưa mẹ nửa trái bắp, vừa ăn tôi vừa nói: “Hồi nãy chị bán bắp bảo: bắp không ngọt, cũng đúng; chắc do giống bắp…”. Mẹ tôi nói: “Chắc nó gánh bắp lội qua sông chứ gì?!”. Nghe hơi khó hiểu, tôi hỏi lại: “Nước sông mùa này cạn, dễ gì ngập gánh bắp hả mẹ?”. Mẹ nói: “Không phải ngập nước, dù nước chưa tới đầu gối nhưng gánh bắp lội qua sông thì bắp vẫn lạt; muốn không lạt thì phải bỏ vài trái xuống sông cho Hà Bá”. Tôi nghe rất rõ nhưng chỉ hiểu lờ mờ. Hồi nhỏ tôi cũng nghe nhiều người nói như vậy nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa tìm được lời giải thích, nhưng người quê tôi ai cũng tin điều này là có thật. Không biết bỏ xuống sông mấy trái rồi gánh bắp về nhà có ngọt hơn hay không nhưng mấy đứa nhỏ tắm phía dưới bến sông nhặt được vài trái bắp đem lên bãi cát chất củi nướng, ăn liền thì rất ngọt.

Nghe mẹ nhắc chuyện gánh bắp qua sông, tôi nhớ lại những việc khác có thành ý tạ ơn mà người xưa hay làm.

Lúc nhỏ, có vài lần tôi lẽo đẽo theo mấy bác thợ săn vào rừng săn thỏ, chồn, cheo… Khi bắt được thú, người thợ săn thường lấy bộ lòng nấu cháo, luộc một ít thịt, dâng lễ cúng thần linh. Cúng xong, bộ đồ lòng được trả công cho mấy chú chó săn, coi như động viên ý chí chiến đấu cho những chuyến đi săn tiếp theo. Một ít thịt được chế biến vài món, thợ săn, mấy người đi theo và mời hết những ai đang có việc trong khu vực lân cận cùng nhau xơi một bữa thịt rừng hả hê; phần còn lại mới tính chuyện mang về.

Cũng là chuyện trả ơn, sau mỗi mùa gặt, tôi hay theo ba đi cúng đồng. Nhà tôi làm ruộng không nhiều, chỉ vài mẫu; nhưng mỗi khi kết thúc mùa gặt, lúa phơi khô khan, đựng vô bồ, vô bịch là ba tôi triển khai việc cúng đồng. Mâm cỗ cúng đồng thường gồm có: Chè, xôi, hương, hoa, bát nước… xếp gọn vào đôi thúng, gánh ra chỗ đám ruộng nhà mình, chọn chỗ khô ráo, bằng phẳng, bày lễ, khấn vái tạ ơn; mong cho mùa sau lúa tốt, không sâu bệnh, sản lượng cao hơn mùa trước. Tàn nhang, ba bảo tôi chạy đi gọi mấy đứa chăn bò, mót lúa, tát cá, bắt dế… Miễn là nhìn thấy ai đang loay hoay trên đồng thì phải mời lại cho bằng được; tay bưng chén chè, đứa ngồi đứa đứng, đứa nói đứa cười, thật là vui.

Ngày nay, bên bến sông đã có cây cầu nên không còn gánh bắp lội sông, bắp được chở bằng ô tô, xe máy… Nhưng đôi khi vì nhiều lý do, chậm về đến nhà nên bắp cũng lạt lẽo chứ không phải “gánh bắp qua sông”.

NGÔ TRỌNG CƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/229542/ganh-bap-qua-song.html