Gặp gỡ những gia đình nam giới điểm 10

Vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định trong xã hội cũng có nghĩa nam giới ngày càng biết quan tâm, chăm sóc gia đình. Đằng sau những phụ nữ 'giỏi việc nước đảm việc nhà' là người đàn ông luôn biết cảm thông, chia sẻ và ủng hộ vợ mình.

Sau giờ làm việc, ông Nguyễn Ngọc Sơn và bà Nguyễn Thị Liền, ngụ ấp Bình Sơn, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, cùng nhau chăm sóc cây kiểng trước sân nhà

Sau giờ làm việc, ông Nguyễn Ngọc Sơn và bà Nguyễn Thị Liền, ngụ ấp Bình Sơn, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, cùng nhau chăm sóc cây kiểng trước sân nhà

Hậu phương cho bà xã

Ở độ tuổi ngoài 50, cuộc sống của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Sơn và bà Nguyễn Thị Liền, ngụ ấp Bình Sơn, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An có thể xem là viên mãn. Các con học hành thành đạt, có công việc ổn định. Bà Liền vừa nghỉ hưu được vài năm, ông Sơn hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Quới. Mỗi ngày, sau khi xong việc ở cơ quan, ông về nhà cùng bà vun vén gia đình và chăm sóc mẹ già gần 90 tuổi. Ngồi cạnh ông, bà Liền nở nụ cười rạng rỡ, giọng nói đầy hạnh phúc: “Anh Sơn là người rất yêu thương gia đình, trong nhà, việc lớn, nhỏ chủ yếu do anh làm, không phân biệt việc của nam, nữ. Cũng nhờ anh hết lòng hỗ trợ nên lúc còn đi làm, tôi có thể an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Trước đây, bà Liền là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Quới nên phải dành nhiều thời gian cho công việc. Để hiểu dân, gần dân, bà thường xuyên dự các cuộc họp dân vào ban đêm. Không an tâm để vợ đi một mình, cứ mỗi lần bà đi họp là ông Sơn “hộ tống”. Bà Liền kể: “Thấy tôi bận bịu với công việc cơ quan, anh gánh luôn phần chăm sóc gia đình, đưa rước các con đi học và chăm sóc ông, bà cụ ở nhà. Anh luôn động viên tôi cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả là nhờ có anh!”.

Bà Liền nhớ rõ từng giai đoạn khó khăn của gia đình, kể trong sự xúc động: “Có thời điểm, tôi bệnh nặng phải nằm viện cả tháng. Một tay anh vừa chăm vợ bệnh vừa lo cho gia đình lại phải hoàn thành công việc ở cơ quan. Lúc đó, nhìn anh phờ phạc mà tôi xót xa!”.

Bà Liền nhìn ông Sơn mỉm cười, nụ cười vừa âu yếm vừa như cảm ơn. Trong cuộc chuyện trò, ông bà nhường nhau từng lời nói, thỉnh thoảng nhìn nhau mỉm cười. Bức ảnh gia đình treo ở vị trí trang trọng, dễ thấy nhất trong nhà. Bà Liền nói đi nói lại nhiều lần, nếu không có ông, có lẽ bà không thể đảm đương hết phần công việc cơ quan tới ngày nghỉ hưu. Trò chuyện với ông bà, chúng tôi nhận ra “bí quyết” giữ hạnh phúc gia đình chính là tình yêu thương. Chỉ có tình yêu thương mới giúp ông Sơn chu toàn việc chăm sóc gia đình cũng như hỗ trợ, làm hậu phương cho vợ những ngày vợ còn công tác. Cũng chính lòng yêu thương giúp ông một mình lo hết việc nhà để bà an tâm đi chăm cháu ngoại ở xa. Suốt gần 1 năm xa nhà, bà vẫn an tâm bởi biết rõ ông là người chu đáo, tận tâm.

Giờ đây, niềm vui của ông bà là mỗi ngày được nhìn thấy nhau cười, cùng nhau phụng dưỡng mẹ già. Mỗi ngày sau giờ làm việc, vợ chồng ông lại ngồi với nhau uống ly trà hoặc cùng tưới mấy gốc kiểng trong sân nhà. Niềm vui giản dị nhưng rất đỗi bình yên, hạnh phúc.

Yêu thương, cảm thông và chia sẻ

Mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng để giữ trong ấm ngoài êm thì tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ là quan trọng. Chia tay gia đình ông Sơn, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hòa, ngụ xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa. Với anh Hòa, “bí kíp” gìn giữ hạnh phúc gia đình là sự quan tâm. Anh nói: “Tôi có thể quên nhiều thứ nhưng ngày giờ sinh của con, kỷ niệm ngày cưới và sinh nhật vợ là không khi nào quên”. Anh sợ rằng, khi con lớn, đôi lúc vô tình con hỏi, không trả lời được sẽ khiến con buồn. Anh cười, chia sẻ: “Vợ anh là giáo viên dạy văn, sống rất tình cảm, còn anh là dân kỹ thuật, vốn khô khan nên phải cố gắng làm nhiều việc để vợ vui!” Nghĩ vậy nên năm nào, anh cũng tặng vợ một điều đặc biệt vào những ngày đặc biệt. Đó có thể là một món quà nhỏ, chiếc bánh kem hay một bữa tiệc gia đình ấm cúng. Cuối tuần hoặc những ngày rảnh rỗi, anh đều đưa cả nhà đi chơi. Không chỉ quan tâm tới cảm xúc, anh còn chia sẻ với vợ công việc gia đình, chăm sóc các con. Lúc vợ mang thai con thứ hai, sức khỏe không được tốt nên anh đưa, đón vợ đi dạy mỗi ngày.

Để vun vén hạnh phúc gia đình, anh Tùng Lâm chẳng ngại ngần gì khi chia sẻ công việc gia đình cùng vợ (Trong ảnh: Anh Lâm đón con sau giờ học)

Để vun vén hạnh phúc gia đình, anh Tùng Lâm chẳng ngại ngần gì khi chia sẻ công việc gia đình cùng vợ (Trong ảnh: Anh Lâm đón con sau giờ học)

Còn anh Nguyễn Tùng Lâm, xã Nhơn Thạnh Trung, TP. Tân An khẳng định chẳng ngại ngần gì khi cùng vợ làm công việc nội trợ, quét nhà, chăm sóc, dạy bảo các con. Anh cho rằng, muốn giáo dục con tốt thì trước hết bản thân phải gương mẫu, là chỗ dựa cho cả gia đình. Tôn trọng, yêu thương vợ, giữ gìn hòa khí gia đình, kính trọng, hết lòng chăm sóc cha mẹ già là điều anh Lâm luôn làm tốt. Bởi anh hy vọng đó sẽ là nền tảng tốt trong dạy dỗ các con.

Ngày nay, quan niệm phụ nữ phải đảm nhiệm toàn bộ việc “tề gia nội trợ”, chăm sóc, dạy dỗ con cái đã không còn phù hợp. Các mầm non chỉ có thể phát triển tốt nhất khi có cả sự quan tâm, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Điều đó được chứng minh ở gia đình ông Huỳnh Dũng Chinh. Vợ chồng đều là giáo viên, riêng ông là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Trụ nhưng ngoài việc giảng dạy, cả hai đều dành thời gian cho gia đình, dạy dỗ các con. Mỗi buổi trưa, ông đều dành thời gian giúp vợ cơm nước, buổi tối dạy và kiểm tra việc học của các con. Cô Phạm Thị Thiên Kim, vợ thầy Chinh, kể: “Chuyên môn của anh Chinh là toán nên mỗi tuần, anh dành thời gian 2 buổi để học toán cùng con. Vợ chồng tôi rất quan tâm đến việc học của con. Con lớn hiện đang học Trường THPT chuyên Long An, mỗi ngày anh đều đưa, đón thay vì ở ký túc xá như các bạn khác”.

Từ việc giúp vợ nấu cơm, dẫn xe đến dành thời gian chơi và học với con, ông Chinh đã chứng minh mình xứng đáng với “điểm 10” dành cho người đàn ông trong gia đình

Từ việc giúp vợ nấu cơm, dẫn xe đến dành thời gian chơi và học với con, ông Chinh đã chứng minh mình xứng đáng với “điểm 10” dành cho người đàn ông trong gia đình

Nhìn cách ông quan tâm vợ và các con, chúng tôi nhận ra niềm hạnh phúc trong căn nhà ấy. Từ việc giúp vợ nấu cơm, dẫn xe đến việc dành thời gian chơi và học với con, ông đã chứng minh mình xứng đáng với “điểm 10” dành cho người đàn ông trong gia đình.

“Nam giới điểm 10” chỉ là một danh hiệu, dù được nhận hay không điểm 10 ấy với các anh vẫn không phải là điều quan trọng. Quan trọng nhất vẫn là hạnh phúc của gia đình, niềm vui của vợ con./.

Chiều ngày 18/12/2019, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện mô hình “Nam giới điểm 10” và họp mặt Phụ nữ tiêu biểu cấp tỉnh. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cùng 80 đại diện “Nam giới điểm 10” và 33 phụ nữ tiêu biểu của toàn tỉnh.

Hội nghị nhằm biểu dương các phụ nữ có thành tích xuất sắc và tiêu biểu trong tỉnh. Bên cạnh đó, không quên khẳng định và biểu dương vai trò của các “Nam giới điểm 10” luôn chia sẻ, gánh vác trách nhiệm gìn giữ tổ ấm gia đình, hỗ trợ, giúp đỡ chị em hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa trao giấy khen cho 33 phụ nữ tiêu biểu và 80 “Nam giới điểm 10”. Ông mong muốn, mô hình “Nam giới điểm 10” sẽ ngày càng phát triển, hiệu quả và đi vào chiều sâu.

Phương Phương

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/gap-go-nhung-gia-dinh-nam-gioi-diem-10-a87321.html