Gặp mặt, tuyên dương 500 người có công tiêu biểu toàn quốc

Hoạt động gặp mặt, tuyên dương, tri ân người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2019 sẽ tập trung vào nhóm đối tượng thương binh nặng, mất sức lao động từ 81% trở lên.

Đây là thông tin được Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi cho biết tại họp báo về kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2019 vừa được tổ chức.

Theo Cục trưởng Đào Ngọc Lợi, Hội nghị biểu dương sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 7-2019. 500 thương binh nặng, mất sức lao động từ 81% đại biểu cho khoảng 12.000 thương binh nặng trên cả nước sẽ về dự Hội nghị. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự Hội nghị. Cùng với hoạt động gặp mặt, tuyên dương người có công tiêu biểu, nhiều hoạt động tri ân khác cũng sẽ được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan triển khai. Cụ thể như: Tổ chức trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 400 liệt sĩ thông qua đợt rà soát hồ sơ tồn đọng thời gian qua. Tổ chức tặng quà 27-7 cho người có công. Theo đó năm nay sẽ dành hơn 332,5 tỷ đồng tặng quà cho người có công với 2 mức quà 400.000 đồng và 200.000 đồng.

Cũng trong tháng 7-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ ngày 1-7-2019 là 1.624.000 đồng (quy định cũ tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP là 1.515.000 đồng).

Kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh – liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2019), nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực sẽ được diễn ra trên cả nước để tri ân người có công”.

Kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh – liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2019), nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực sẽ được diễn ra trên cả nước để tri ân người có công”.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Theo Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi, Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi lần này đã chuẩn hóa một số điều kiện tiêu chuẩn đối với một số nhóm đối tượng để phù hợp với từng thời kỳ. Đồng thời bổ sung chế độ đối với một số nhóm đối tượng để phù hợp tình hình, điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay. Theo kế hoạch, Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi sau khi lấy ý kiến góp ý sẽ được trình Chính phủ vào tháng 9-2019 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành vào thàng 11-2019.

Có thể thấy trong 70 năm qua, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng".

Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đến nay, hơn 9 triệu lượt người có công bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.

Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước còn luôn quan tâm chăm lo người có công bằng các chính sách ưu đãi cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sỹ, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình liệt sỹ thăm viếng phần mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang...

Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, CA, DN và các cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ...

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gap-mat-tuyen-duong-500-nguoi-co-cong-tieu-bieu-toan-quoc-154190.html