Gặp những người cuối cùng 'cà răng, căng tai'
Ở làng Đắk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) còn những người thuộc thế hệ 'cà răng, căng tai', họ đã ngoài 80 tuổi. Để hiểu hơn về 'khuôn mẫu cái đẹp, chứng minh lòng can đảm' của văn hóa xưa, phóng viên Tiền Phong đã đi hơn 120km tìm gặp họ.
Tôi xuất phát lúc 5h sáng những ngày cuối năm, từ thành phố Kon Tum (Kon Tum) đến làng Đắk Mế để gặp những người dân tộc Brâu. Đây là một trong số các dân tộc ít người nhất Việt Nam.
Già Y An 80 tuổi ngồi cầm tẩu hút thuốc trên hiên nhà sàn. Già Y An không biết nói tiếng phổ thông, tôi nhờ một thanh niên trong làng phiên dịch. Bà nhớ lại: Vào một buổi chiều cuối năm, nắng mặt trời gần tắt, 26 trai gái cùng độ tuổi 13 ở làng Đắk Mế tập trung đến nhà rông.
Sau khi già làng làm nghi thức cúng Yàng (thần linh), tiếng chiêng vang lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Tất cả đều đau chảy nước mắt khi những người đàn ông trưởng thành dùng hòn đá mài liên tục gần 2 tiếng, cho đến khi bốn chiếc răng cửa hàm trên của các thiếu niên sát đến tận lợi. Đau buốt lắm. Cà răng xong, già làng đắp một loạt thuốc cây rừng để tránh nhiễm trùng cho vết thương mau lành.
“Hoàn thành nghi lễ cà răng người đó mới được coi là trưởng thành, nếu không sẽ bị người trong làng chê cười, bạn bè khinh rẻ và không bắt được vợ chồng”, Già Y AN kể
Theo già Y An, cộng đồng người Brâu quan niệm tục cà răng là một nghi thức chuẩn mực, khuôn mẫu về cái đẹp, thể hiện lòng can đảm để vượt qua thử thách đầu đời của người con trai, con gái. Đối với những người không được cà răng khi chết đi, linh hồn sẽ không về với thế giới của ông bà tổ tiên. Đặc biệt, phải cà răng thì cộng đồng mới xem đó là người trưởng thành, được tự do yêu đương. Bởi thế nên dù đau mấy cũng phải chịu đựng.
Nếu cà răng là một “tín hiệu” để bắt đầu lứa tuổi yêu đương thời kỳ đó, thì việc căng dái tai lại là cả một quá trình lâu dài, gắn với sự trưởng thành trên đường đời người phụ nữ Brâu. Từ 1 đến 2 tuổi, trẻ em nữ đã được xâu lỗ tai để đeo khuyên. Khi mới xâu lỗ tai, các cô gái Brâu đeo một mẩu tre nhỏ. Mẩu tre này sẽ được thay bằng những đôi khuyên tai chất liệu khác, to dần lên. Thậm chí đến khi làm cho đôi dái tai bị đứt hẳn thì đó là tín hiệu may mắn không những cho người đó mà cho cả làng.
Già Y Pế là người cuối cùng còn sống của làng Đắk Mế với cặp tai “khủng”. Già tâm sự, những ngày đó tất cả con gái trong làng đều xâu lỗ tai. Đó vừa là cách làm đẹp, vừa thể hiện sự giàu có của gia đình. Người Brâu quan niệm lỗ xâu tai càng rộng càng đẹp, càng được đàn ông ngưỡng mộ.
Căng tai càng rộng bao nhiêu thì càng chứng tỏ trong nhà có nhiều chiêng, ché, trâu bò,... Những gia đình khá giả thường cho con gái mình đeo tai bằng ngà voi, vòng bạc để thể hiện. Người nghèo thì đeo ống nứa, ống lồ ô được cắt cho vừa với lỗ tai. “Mình sinh ra trong một gia đình khá giả, được bà để lại cho cặp ngà voi căng tai. Thời đó cặp ngà ấy đổi được mấy cặp chiêng. Nhưng bây giờ con cháu không ai muốn đeo nó nữa. Mình thấy bỏ tục này đi là đúng vì giờ hiện đại rồi, không nên giữ lại cách làm đẹp đau đớn kiểu xưa đó nữa”- Già Y Pế nói.