Gartner: ChatGPT là nhân tố chính thúc đẩy đầu tư vào trí tuệ nhân tạo
Kể từ khi ra mắt, ChatGPT trở thành một hiện tượng toàn cầu và cũng là nhân tố chính tạo ra cuộc đua mới trong ngành công nghệ, có thể mở ra một giai đoạn tiếp theo trong lịch sử của ngành.
Giới chuyên gia cho rằng, hầu hết mọi tổ chức, doanh nghiệp đều muốn đầu tư và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT vào hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện sản phẩm và dịch vụ của họ.
Ngày 8/5, chuyên trang công nghệ Tech Wire Asia dẫn kết quả cuộc khảo sát gần đây của Gartner với hơn 2.500 nhà lãnh đạo điều hành trên toàn cầu cho thấy, 45% lãnh đạo công ty công nghệ báo cáo rằng, ChatGPT đã thúc đẩy họ tăng cường đầu tư vào AI.
Ngoài ra, 70% giám đốc điều hành cũng cho biết tổ chức, công ty của họ đang ở chế độ khám phá với AI tổng quát. Khoảng 19% trong số đó đang ở chế độ thử nghiệm hoặc sản xuất.
Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích trong nhóm nghiên cứu của Gartner nhận định, cơn sốt AI dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp AI đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này.
Theo Tech Wire Asia, AI tổng quát có khả năng phân tích và khai thác dữ liệu lớn (Big Data) một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó cung cấp cho doanh nghiệp thông tin quan trọng và phân tích chi tiết để hỗ trợ quyết định kinh doanh.
Đồng thời, công nghệ này có thể giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào con người bằng cách thực hiện tự động các quy trình kinh doanh và công nghệ thông tin nhằm tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp cũng như giảm thiểu sai sót do con người gây ra.
"AI có thể giúp giảm thiểu tác động của lạm phát, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và thậm chí khắc phục suy thoái kinh tế. Các giám đốc điều hành (CEO) và giám đốc công nghệ thông tin (CIO) tận dụng AI để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm, mô hình kinh doanh mới và tìm thấy những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu", bà Karamouzis nói thêm.
Do đó, các khoản đầu tư vào AI hiện nay tập trung chủ yếu vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh thu, tối ưu chi phí và nâng cao tính liên tục của hoạt động kinh doanh.
Kết quả khảo sát của Gartner cho thấy, khoảng 68% các giám đốc điều hành tin rằng lợi ích của AI sáng tạo vượt trội hơn so với những rủi ro tiềm tàng, trong khi chỉ có 5% cảm thấy rủi ro của AI lớn hơn so với lợi ích.
Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo rằng, các nhà đầu tư hay công ty công nghệ nên cẩn trọng trước những tác động tiềm ẩn khi ứng dụng công nghệ AI.
"Khi bắt đầu phát triển và triển khai AI tổng quát, các tổ chức sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về độ tin cậy, rủi ro, an ninh, quyền riêng tư và đạo đức.", chuyên gia Frances Karamouzis chia sẻ.
Chính phủ nhiều nước đã yêu cầu các tổ chức, công ty áp dụng phương pháp đảm bảo tính đạo đức khi triển khai các giải pháp AI. Một minh chứng rõ nét hơn, Nhà Trắng yêu cầu các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft và Google phải có trách nhiệm pháp lý để đảm bảo an toàn cho các sản phẩm AI của họ trước khi ra mắt công chúng, cũng như trong công cuộc bảo vệ xã hội trước những mối nguy hại tiềm tàng mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra.