Gaza gần như đã bị san phẳng, để lại hàng chục triệu tấn đổ nát sau một năm xung đột

Việc dọn dẹp đống đổ nát khổng lồ và độc hại ở Gaza dự kiến sẽ mất nhiều năm và tốn kém 1,2 tỷ USD, nhưng cần phải bắt đầu sớm để cứu sống nhiều người.

Trong ngôi nhà hai tầng đã biến thành đống đổ nát, Mohammed, 11 tuổi, đang gom những mảnh mái nhà vào một chiếc xô vỡ và giã chúng thành sỏi để cha em dùng làm bia mộ cho các nạn nhân của cuộc xung đột ở Gaza.

"Chúng tôi gom đống đổ nát không phải để xây nhà, mà để làm bia mộ - từ đau khổ này đến đau khổ khác", cha của em, cựu công nhân xây dựng Jihad Shamali, 42 tuổi, nói. Ngôi nhà của họ ở thành phố Khan Younis phía nam Gaza đã bị phá hủy trong một cuộc đột kích của Israel vào tháng 4.

Công việc này rất vất vả và đôi khi rất nghiệt ngã. Vào tháng 3, gia đình đã xây mộ cho một trong những người con trai của Shamali, người đã bị giết khi đang chạy việc vặt trong nhà.

Tuy vất vả nhưng đây là một phần nhỏ trong nỗ lực giải quyết đống đổ nát do chiến dịch quân sự của Israel để lại nhằm tiêu diệt nhóm chiến binh Hamas của Palestine.

 Địa điểm không kích của Israel tại Khan Younis ở phía nam Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Địa điểm không kích của Israel tại Khan Younis ở phía nam Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Đống đổ nát khổng lồ và các kế hoạch xử lý

Trên mặt đất, đống đổ nát chất cao hơn cả người đi bộ và xe lừa trên những con đường hẹp bụi bặm vốn từng là những con phố đông đúc.

"Ai sẽ đến đây và dọn dẹp đống đổ nát giúp chúng tôi? Không ai cả. Chúng tôi tự làm điều đó", tài xế taxi Yusri Abu Shabab cho biết, sau khi đã dọn một phần đống đổ nát khỏi ngôi nhà ở Khan Younis của mình để dựng một chiếc lều.

Theo dữ liệu vệ tinh của Liên hợp quốc, 2/3 các công trình trước xung đột ở Gaza - hơn 163.000 tòa nhà - đã bị hư hại hoặc san phẳng. Khoảng 1/3 là các tòa nhà cao tầng.

Liên hợp quốc ước tính có hơn 42 triệu tấn mảnh vỡ, bao gồm cả những tòa nhà bị phá hủy vẫn còn đứng vững và những tòa nhà bị san phẳng, gấp 14 lần lượng đổ nát tích tụ ở Gaza từ năm 2008 đến khi xung đột nổ ra một năm trước. Nếu xếp chồng lên nhau, nó có thể lấp đầy 11 Kim tự tháp Giza lớn nhất của Ai Cập. Đống đổ nát vẫn đang lớn dần lên mỗi ngày.

Ba quan chức Liên hợp quốc cho biết, Liên hợp quốc đang cố gắng hỗ trợ chính quyền Gaza xem xét cách xử lý đống đổ nát.

Nhóm công tác quản lý mảnh vỡ do Liên hợp quốc đứng đầu đang lên kế hoạch thực hiện một dự án thí điểm với chính quyền Palestine tại Khan Younis và thành phố Deir El-Balah ở miền trung Gaza để bắt đầu dọn dẹp mảnh vỡ ven đường trong tháng này.

Alessandro Mrakic, Trưởng phòng Gaza của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đồng chủ trì nhóm làm việc, cho biết: "Những thách thức là rất lớn. Đây sẽ là một hoạt động lớn, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ".

 Người Palestine dọn dẹp đống đổ nát từ những ngôi nhà bị phá hủy ở Khan Younis. Ảnh: Reuters

Người Palestine dọn dẹp đống đổ nát từ những ngôi nhà bị phá hủy ở Khan Younis. Ảnh: Reuters

Sau cuộc chiến kéo dài 7 tuần ở Gaza năm 2014, UNDP và các đối tác đã dọn sạch 3 triệu tấn rác thải, chiếm 7% tổng số hiện nay. Ước tính sơ bộ cho thấy sẽ tốn 280 triệu USD để dọn sạch 10 triệu tấn rác thải. Nếu xung đột dừng lại ngay bây giờ, sẽ tốn khoảng 1,2 tỷ USD để xử lý đống đổ nát.

Một ước tính của Liên hợp quốc vào tháng 4 cho thấy sẽ mất 14 năm để dọn dẹp đống đổ nát .

Những mối nguy ẩn dưới đống đổ nát

Mrakic cho biết, dưới đống đổ nát còn nhiều thi thể chưa được tìm thấy và nhiều quả bom chưa nổ. Hơn nữa, một số mảnh vỡ trong đó có nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính có khoảng 2,3 triệu tấn rác thải có thể bị ô nhiễm, trích dẫn đánh giá về 8 trại tị nạn ở Gaza, một số trong đó đã bị ảnh hưởng.

Người phát ngôn của WHO, Bisma Akbar, cho biết bụi là "mối quan ngại đáng kể" và có thể gây ô nhiễm nước, đất và dẫn đến bệnh phổi. Sợi amiăng có thể gây ung thư thanh quản, buồng trứng và phổi khi hít phải.

Tổ chức Y tế Thế giới đã ghi nhận gần một triệu trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở Gaza trong năm qua. Trong khi đó, các bác sĩ lo ngại về sự gia tăng các ca ung thư và dị tật bẩm sinh do rò rỉ kim loại trong những thập kỷ tới. Một phát ngôn viên của UNEP nêu lên mối lo ngại về vết cắn của rắn và bọ cạp, cũng như nhiễm trùng da do ruồi cát.

Thiếu không gian và thiết bị xử lý

Đống đổ nát ở Gaza trước đây đã được sử dụng để xây dựng cảng biển. Liên hợp quốc hy vọng có thể tái chế một phần đống đổ nát hiện nay cho mạng lưới đường bộ và củng cố bờ biển.

Tuy nhiên, UNDP cho biết Gaza không có đủ không gian cần thiết để xử lý đống đổ nát. Trước xung đột, Gaza có dân số 2,3 triệu người trên một diện tích dài 45 km và rộng 10 km. Các bãi chôn lấp hiện nằm trong khu vực quân sự của Israel.

 Một tên lửa chưa nổ mà máy bay Israel để lại trong đống đổ nát ở phía bắc Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Một tên lửa chưa nổ mà máy bay Israel để lại trong đống đổ nát ở phía bắc Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Mrakic cho biết, việc đẩy mạnh tái chế đồng nghĩa với phải chi nhiều tiền hơn để tài trợ cho các thiết bị như máy nghiền công nghiệp. Chúng sẽ phải nhập cảnh qua các điểm giao cắt do Israel kiểm soát.

Người phát ngôn UNEP cho biết quá trình phê duyệt kéo dài là "điểm nghẽn lớn". Theo đó, UNEP cần sự cho phép của chủ sở hữu để dọn dẹp đống đổ nát, nhưng quy mô tàn phá đã làm mờ ranh giới giữa các tài sản bị mất trong xung đột.

Mrakic cho biết một số nhà tài trợ đã bày tỏ sự quan tâm giúp đỡ kể từ cuộc họp do chính quyền Palestine tổ chức tại Bờ Tây vào ngày 12/8. Một quan chức Liên hợp quốc cho biết: "Mọi người đều lo ngại liệu có nên đầu tư vào việc tái thiết Gaza hay không nếu không có giải pháp chính trị nào được đưa ra".

Hoài Phương (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gaza-gan-nhu-da-bi-san-phang-de-lai-hang-chuc-trieu-tan-do-nat-sau-mot-nam-xung-dot-post315535.html