GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá năng lực lãnh đạo tỉnh

'Nếu vì đạt được 5 - 7% GDP mà để cho dân của mình phải bỏ đi làm ăn nơi khác thì lãnh đạo nơi đó cũng không hoàn thành nhiệm vụ', theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Chính phủ cần đánh giá đúng về chỉ số tăng trưởng GDP.

Chính phủ cần đánh giá đúng về chỉ số tăng trưởng GDP.

Tại phiên thảo luận trực tiếp về kinh tế xã hội của Quốc hội hôm nay, Đại biểu đoàn TP. HCM, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Chính phủ cần định hướng lại phương pháp luận đánh giá GDP.

"GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá năng lực lãnh đạo, thành tích của các địa phương. Ví dụ ở những vùng cần bảo vệ môi trường, những vùng "phên dậu" của đất nước chúng ta đánh giá người lãnh đạo ở đó khác", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Theo ông Nghĩa, "nếu không sẽ dẫn tới chuyện chạy theo con số đo bằng tiền, tăng trưởng đổi lại bằng cách đổ vốn vào làm các dự án lớn, nhưng không quan tâm tới nhiệm vụ chính. Nếu vì đạt được 5 - 7% GDP mà để cho dân của mình phải bỏ đi làm ăn nơi khác thì lãnh đạo nơi đó cũng không hoàn thành nhiệm vụ”.

Việt Nam đã có hệ thống phân bổ nguồn lực, những địa phương phát triển thuận lợi kinh tế thì phải san sẻ cho nơi khác. Do đó, để phát triển bền vững, đại biểu đoàn TP. HCM cho rằng, Việt Nam cần xoay lại trục hướng vào 3 trụ cột là văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản.

"Đồng thời, định hướng lại phương pháp luận đánh giá GDP, nếu không sẽ dẫn tới những cuộc chạy đua chệch hướng", ông Nghĩa nhận định.

Đại biểu đoàn TP. HCM, ông Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Quốc hội.

Đại biểu đoàn TP. HCM, ông Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Quốc hội.

Mặt khác, trong cấu phần của chỉ số GDP, ông Trần Hoàng Ngân (cũng thuộc đoàn đại biểu TP. HCM), Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho rằng, Việt Nam cần lưu ý với sự phụ thuộc vào khối doanh nghiệp ngoại.

Theo ông, khu vực này đang chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân do dự báo của các cơ quan quản lý luôn là nhập siêu, nhưng thực tế lại xuất siêu.

Việc giải ngân vốn FDI liên tục gia tăng (số vốn giải ngân FDI từ năm 2016 đến nay đã đóng góp 40% vốn đầu tư xã hội, 20% GDP), tuy nhiên, “kết quả mang lại từ FDI chưa trọn vẹn”.

Do đó, ông Ngân đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn tới thị trường trong nước, với 96 triệu dân. Và việc thu hút vốn FDI tới đây cần phải ưu tiên yếu tố an ninh - quốc phòng, môi trường và công nghệ lên hàng đầu, đúng định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Trước đó, vào phiên thảo luận hôm 30/10, đại biểu Hoàng Quang Hàm của đoàn Phú Thọ cũng đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP tổng sản phẩm nội địa như trước đây, cần giao thêm chỉ tiêu thu nhập quốc dân (GNI) để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế và thu nhập của người dân.

Ông Hàm cho rằng, đời sống nhân dân, thực lực của nền kinh tế tăng nhanh nhưng chưa đi cùng với tốc độ tăng trưởng nên cần có chỉ tiêu cụ thể để nhận rõ vấn đề này.

Đại biểu Hàm cho rằng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam khoảng 200% GDP, xuất siêu nhiều năm nhưng người hưởng lợi đa số là doanh nghiệp FDI vì các doanh nghiệp này chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu.

Phần hưởng lợi này được tính trong tổng GDP nên cần phải loại trừ mới nhìn nhận đúng thực lực của nền kinh tế và thu nhập của người dân.

"Đất nước đi lên từ gian khó, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm chỉ tiêu đánh giá để nhìn nhận sát đúng hơn tình hình và có giải pháp phù hợp", theo ông Hàm.

Hạ Vũ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/gdp-khong-nen-la-tieu-chuan-duy-nhat-danh-gia-nang-luc-lanh-dao-tinh-1572513509343.htm