Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can: Ngăn chặn bức cung, nhục hình

Giới luật sư nhận định, trong khuôn khổ hạn chế của mô hình tố tụng hình sự, giải pháp ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là một trong những phương thức làm tăng tính tranh tụng cũng như ngăn chặn được những chuyện tiêu cực như bức cung nhục hình, tra tấn…

Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2020 sẽ tiến hành ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can trên cả nước. Qua khảo sát, các buồng hỏi cung đa số xuống cấp và chỉ một số ít được trang bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Hầu hết trụ sở các cơ quan điều tra chưa có phòng hỏi cung mà dùng ngay phòng làm việc.

Trong khi trước đó, theo Khoản 6, Điều 183 "Hỏi cung bị can" - Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: "Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh".

Do đó, để có quy định cụ thể về vấn đề này phù hợp với nội dung của luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỏi cung bị can đảm bảo tính khách quan, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Ghi âm - ghi hình trở thành phương tiện được quy định phải có trong hoạt động hỏi cung

Ghi âm - ghi hình trở thành phương tiện được quy định phải có trong hoạt động hỏi cung

Trao đổi với về vấn đề này, luật sư La Văn Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Tầm Nhìn và Thịnh Vượng ủng hộ việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can. Theo luật sư Thái, việc ghi âm, ghi hình khi lực lượng chức năng tiến hành hỏi cung hay lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân sẽ tránh được nhiều vấn đề bất cập xảy ra từ trước tới nay.

"Biện pháp ghi âm, ghi hình khi hỏi cung nhằm ngăn chặn hiểm họa bức cung, nhục hình là một sự đáp ứng mạnh mẽ điều mong đợi của nhiều người, trong đó có các nhà nghiên cứu luật học, những người hành nghề luật, những điều tra viên chân chính và cả người dân.

Vì gần đây, các số liệu có thể chưa đầy đủ cũng đã cho thấy, số người chết trong đồn công an, nhà tạm giữ, trại tạm giam, thậm chí, sau khi từ các nơi ấy trở về nhà là khá cao. Điều đó là sự báo động với toàn xã hội", luật sư Thái chia sẻ.

Luật sư La Văn Thái đánh giá quy định ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng hình sự là sự tiến bộ đáng ghi nhận.

Luật sư La Văn Thái đánh giá quy định ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng hình sự là sự tiến bộ đáng ghi nhận.

Vị luật sư này dẫn chứng, trước đó nhiều vụ án có các quan điểm trái chiều trong dư luận thì lý do băn khoăn từ hoạt động ở cơ quan điều tra là đầu tiên. Những chứng cứ ở giai đoạn điều tra này rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới vụ án. Nếu vụ án không được điều tra khách quan, sẽ bị sai lệch dẫn tới nhiều trường hợp oan sai xảy ra.

"Việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung không phải là tất cả để ngăn chặn các vụ án oan, nhưng đó là một trong những điều kiện cần và đủ để ngăn chặn án oan. Oan ở người bị tình nghi và oan cho người tiến hành việc điều tra nữa.

Theo tôi, thà tốn kém ngân quỹ quốc gia để bảo vệ mạng sống, sức khỏe, uy tín, nhân phẩm người dân và cán bộ điều tra chân chính còn hơn là không tốn kém để nhiều cái chết oan ức vẫn diễn ra trong một năm, mười năm tới mà không có sự ngăn chặn và trừng phạt thích đáng", chuyên gia pháp lý nói thêm.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/ghi-am-ghi-hinh-khi-hoi-cung-bi-can-ngan-chan-buc-cungnhuc-hinh-20191008154658183.htm