Giá bất động sản liên tục tăng cao khiến người mua nhà gặp khó

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng giá nhà đất trong thời gian qua liên tục tăng. Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản đang được đánh giá là có dấu hiệu lệch pha cung - cầu và sự phát triển thiếu bền vững, khi giá tăng cao nhưng thiếu nguồn cung ở những phân khúc bình dân.

Giá vượt xa thu nhập của phần lớn người lao động

Batdongsan.com.vn vừa công bố báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản (BĐS) Việt Nam đầu năm 2022, trong đó cho thấy nhu cầu sở hữu BĐS của người Việt Nam rất cao, nhất là sau đại dịch Covid-19. Người có thu nhập càng cao, càng mong muốn có nhiều BĐS. Đặc biệt, khi càng sở hữu nhiều BĐS, người Việt càng có xu hướng bán tài sản hiện tại đi để mua thêm BĐS khác. Điều này phần nào phản ánh sức cầu của thị trường.

Việc giá bán tăng cao đã khiến nhiều người không thể tìm được sản phẩm bất động sản ở các khu vực họ mong muốn.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, đa số những người sở hữu nhà ở Việt Nam là những người từ 40 tuổi trở lên, đã lập gia đình và có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở lên. Cụ thể hơn, với nhóm có thu nhập khoảng 20 - 40 triệu đồng/tháng, đa phần họ sở hữu một bất động sản và chỉ có khoảng 9% là không sở hữu BĐS nào. Với mức thu nhập từ 70 triệu đồng/tháng trở lên, đa phần họ sở hữu hai BĐS. Đặc biệt, với mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng, đa phần họ sở hữu ba BĐS.

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, nhu cầu bất động sản của người Việt Nam luôn cao, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 tăng lên 60% - 300%. Đa số người được hỏi có ý định mua BĐS sơ cấp, nhà xung quanh nơi họ ở; 56% sở hữu 1-2 năm và 3/4 có ý định mua thêm khi đã sở hữu 1 BĐS.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường của trang Batdongsan cho biết, việc giá bán tăng cao đã khiến nhiều người không thể tìm được sản phẩm bất động sản ở các khu vực họ mong muốn và phù hợp mức ngân sách dự kiến. Phần lớn nhóm đối tượng này là những người có nhu cầu mua nhà ở thực. Đa số người được khảo sát đã nhận xét giá bán BĐS tại Việt Nam hiện nay khá cao, vượt xa tầm thu nhập của người mua. Bất cập giá bán dẫn đến một tỷ lệ lớn người mua nhà tại Việt Nam cho rằng, giá BĐS thiếu sự hợp lý và trở thành sản phẩm quá đắt đỏ với người lao động và không thể mua được nhà trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trong năm nay, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn, tạo động lực phát triển kinh tế tốt hơn, từ đó giúp thị trường BĐS sẽ hưởng lợi. Giá trị BĐS cũng được tăng thêm. Nhưng nguồn cung cho thị trường sẽ chưa được cải thiện nhiều vì việc sửa luật và quy định của luật không thể nhanh được. Các dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư (số lượng là rất lớn) chắc chắn vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể cung cấp nguồn hàng.

“Thị trường BĐS nhà ở nhìn chung vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng do đền bù giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu và thiết bị, nhân công… Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch, mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của các nhà đầu tư nhỏ lẻ” - ông Đính nhận định.

Xu hướng tìm đến không gian sống xanh

Chia sẻ về thay đổi trong xu hướng mua BĐS năm 2022, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, đa số người dùng có ý định mua BĐS tại Việt Nam đều ưa chuộng tìm kiếm các dự án sơ cấp, chỉ khoảng 1/4 trong số đó cân nhắc các sản phẩm giao dịch thứ cấp. Hơn 50% người tham gia khảo sát có ý định mua BĐS trong tương lai gần, tuy nhiên giá cả là trở ngại lớn nhất đối với người mua nhà tiềm năng.

“Giá BĐS liên tục tăng cao trong bối cảnh nhiều người đang mất thu nhập, chịu ảnh hưởng tài chính vì Covid-19 là rào cản lớn nhất khiến nhiều người mua nhà tiềm năng phải gác lại ý định mua nhà, cũng như sở hữu thêm các BĐS khác, dù có nhu cầu và kế hoạch từ trước đó. Bên cạnh đó, lo ngại về biến động lãi suất vay mua nhà cũng như tâm lý bất an về thị trường trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp cũng khiến nhiều người mua thực và cả nhà đầu tư cân nhắc, đắn đo trong việc xuống tiền mua BĐS” - ông Quốc Anh cho hay.

Về xu hướng sở hữu BĐS sau dịch Covid-19, đó là ưu tiên gần khu vui chơi, trường học, có không gian xanh và phương tiện công cộng. Các yếu tố hàng đầu mà người mua BĐS tìm kiếm là có khu vui chơi, hoặc khu học tập cho trẻ em, gần cây xanh và các phương tiện giao thông công cộng. Tỷ lệ này cao hơn ở những người lớn tuổi, đã lập gia đình và có thu nhập trung bình trở lên. Những người có nhu cầu mua ngôi nhà lớn hơn có xu hướng tăng lên, nhất là nhóm từ 39 tuổi trở xuống và người có thu nhập cao.

Bà Sushmita Mohapatra - Giám đốc nội dung của Tập đoàn PropertyGuru đánh giá, những xu hướng ở Việt Nam tương đồng với các xu hướng ở các nước trong khu vực. Ví dụ như: đa số người Việt Nam cũng như Singapore, Malaysia, Indonesia đều mong muốn chuyển tới sinh sống, hoặc mua nhà ở những khu vực ít ồn ào hơn; hay đa số đều kỳ vọng giá BĐS sẽ tăng trong tương lai, đặc biệt tại Việt Nam và Malaysia, các nước đang có tốc độ phát triển về đô thị và BĐS cao.

Đánh thuế tài sản để hạ giá bất động sản

Tại Việt Nam, đa số các chuyên gia đều cho rằng việc đánh thuế tài sản đối với bất động sản là hợp lý, sẽ giúp làm giảm giá nhà, người dân dễ dàng mua được nhà, đất hơn. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc đánh thuế tập trung từ căn nhà thứ hai trở đi, hay các tài sản nhà ở không có chủ sở hữu nhằm tránh tình trạng đầu cơ bất động sản (BĐS). Điển hình như Singapore, các BĐS nhà ở với mức giá dưới 8.000 USD (chủ yếu là căn hộ có một và hai phòng) được hưởng thuế BĐS bằng 0. Trong khi đó, đối với các BĐS cao cấp, có mức thuế tài sản dao động từ 4 - 16% giá trị nhà. Riêng đối với các BĐS bỏ hoang có mức thuế tài sản từ 10 - 20% tùy giá trị. Tại Anh, thuế đánh vào những căn nhà thứ 2 trở đi. Tại Mỹ, người dân đóng thuế tài sản nhà đất kể từ khi bắt đầu sở hữu, với mức từ 0,5 - 3%.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-bat-dong-san-lien-tuc-tang-cao-khien-nguoi-mua-nha-gap-kho-101248.html