Giá cà phê cao, nông dân Mường Ảng vui mừng
Sau nhiều năm giữ ở mức 8 - 10 nghìn đồng/1kg quả tươi thì năm nay, giá thu mua cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng bất ngờ tăng cao, dao động từ 16 - 17 nghìn đồng/1kg. Điều này không chỉ giúp người trồng cà phê trên địa bàn huyện phấn khởi mà còn thêm vững tin vào chủ trương từng bước mở rộng diện tích cà phê của huyện trong những năm tới.
Niềm vui nhân đôi
Đến thăm vườn cà phê đang chín rộ của anh Lường Văn Thoan, bản Na Luông, xã Ẳng Nưa, không khó để nhận ra sự phấn khởi của anh cùng những thành viên trong gia đình. Với diện tích hơn 2ha, năm nay, anh Thoan dự tính sẽ thu về khoảng 20 tấn quả tươi. Anh Thoan hồ hởi: “Năm nào cũng được như năm nay thì tốt biết mấy. Giá quả tươi đã tăng gần gấp đôi năm ngoái và chưa có dấu hiệu dừng. Cứ như thế này, nông dân chúng tôi chả mấy mà khấm khá”.
Giá cà phê tăng cao đã tạo thêm cả nguồn lực và hi vọng cho nhiều gia đình ở Mường Ảng, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Du, thị trấn Mường Ảng. Ông Du cho biết, vườn cà phê của gia đình ông đến nay đã gần 20 năm tuổi. Dù cây có phần già đi nhưng nhờ được chăm bón đúng quy trình, kỹ thuật, cây luôn phát triển tốt. Hàng năm, sản lượng luôn đạt khoảng 100 tấn quả tươi, trừ chi phí cho thu nhập trên 700 triệu đồng. Với giá cà phê đang tăng cao như thời điểm hiện tại, ông Du dự kiến, hơn 7ha cà phê của gia đình sẽ cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.
“Những năm trước giá cà phê bấp bênh, trong khi đầu tư chi phí chăm sóc cao nên nhiều người dân cảm thấy xót, thậm chí ít quan tâm, đầu tư. Nhưng giờ thì khác, giá cả tăng cao, nông dân chúng tôi cũng phấn khởi hơn hẳn...” - ông Du hồ hởi chia sẻ.
Giá cà phê tăng cao không chỉ ông Du, anh Thoan và nhiều hộ dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng vui mừng mà còn giúp các đơn vị thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn huyện cũng phấn khởi không kém.
Chị Bùi Thị Việt Hà, chủ cơ sở chế biến cà phê Hà Chung cho biết, giá cà phê năm nay tăng cao ngoài dấu hiệu khởi sắc của thị trường cà phê thế giới, thì một điều đáng mừng là cà phê Mường Ảng đã tìm được chỗ đứng về chất lượng và thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt, những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác quảng bá nên các sản phẩm cà phê Mường Ảng đã được nhiều người biết đến, thậm chí cả những du khách quốc tế cũng biết đến cà phê Mường Ảng.
Hiện nay, cơ sở chế biến cà phê của gia đình chị Hà có 4 sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất pha phin (OCOP 4 sao); cà phê đắp mặt; cà phê túi thơm khử mùi xe ô tô; rượu cà phê. Qua các đợt triển lãm, hội chợ, lễ hội về cà phê, nhiều du khách trong nước và quốc tế đã biết đến các dòng sản phẩm cà phê Arabica Mường Ảng. Nhờ đó, số lượng sản phẩm cà phê của cơ sở cũng bán chạy hơn.
“Chúng tôi mong muốn giá cà phê tiếp tục tăng trong những năm tới để bà con chú tâm hơn trong khâu chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng đối với cơ sở chế biến của gia đình, chúng tôi cũng xác định tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp kho xưởng, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường” - chị Bùi Thị Việt Hà, chủ cơ sở chế biến cà phê Hà Chung cho biết.
Tái canh nhưng không ồ ạt
Cây cà phê có mặt trên đất Mường Ảng từ những năm 1970, nhưng phải đến năm 1995 - 1996, loại cây công nghiệp lâu năm này mới chính thức được đầu tư canh tác theo mô hình mới hiệu quả hơn, giống cây tốt hơn. Tuy nhiên, qua từng giai đoạn, có những thời điểm giá cà phê giảm sâu theo thị trường khiến người trồng cà phê ở Mường Ảng không mấy mặn mà. Thậm chí, nhiều hộ còn chặt bỏ một phần diện tích hoặc không quan tâm, chăm sóc. Đơn cử, năm 2016 - 2017, tổng diện tích cà phê tại Mường Ảng gần 3.500ha. Đến giai đoạn 2019 - 2020, do thị trường đầu ra không ổn định nên một số chủ vườn đã chuyển sang trồng cây nông nghiệp khác, diện tích thời điểm ấy chỉ còn khoảng hơn 2.000ha.
“Sau một số năm sóng gió, đến nay đầu ra cho thị trường cà phê Mường Ảng đã ổn định hơn, chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng tiếp tục xem đây vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương; từ đó tận dụng các nguồn lực, tập trung hỗ trợ, phát triển cây cà phê theo hướng hàng hóa, nâng tầm thương hiệu không chỉ tại Việt Nam mà cả ra nước ngoài” - ông Trần Quang Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết.
Nhờ những chủ trương đúng đắn, đến nay, tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng đã đạt gần 3.000ha, năng suất bình quân hàng năm gần 10 tấn quả tươi/ha, sản lượng đạt gần 5.000 tấn cà phê trấu. Theo kế hoạch phát triển cây cà phê của huyện đến năm 2025, tổng diện tích cà phê duy trì trên 3.000ha và trên 80% diện tích trồng tập trung. Hiện nay, huyện cũng đã hình thành một số khu vực sản xuất cây cà phê có hiệu quả kinh tế cao tại các xã Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Ẳng Cang, Búng Lao và thị trấn Mường Ảng.
Ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Giá trị kinh tế mà cây cà phê mang lại cho nhân dân Mường Ảng là không thể phủ nhận, song chủ trương của huyện là không tái canh ồ ạt, phát triển diện tích đến đâu phải chắc chắn đến đó. Đặc biệt, trong quá trình mở rộng diện tích cây cà phê, nhất là để cây cà phê đạt năng suất, chất lượng, phát triển thành sản phẩm chủ lực, ngoài quảng bá, giới thiệu sản phẩm, huyện đang phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê của huyện Mường Ảng. Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng; nâng cao giá trị, phát huy danh tiếng của sản phẩm cà phê Mường Ảng; giúp người trồng, người kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao nhận thức của người dân theo quy trình chặt chẽ, tạo ra những sản phẩm giá trị; góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.