Giá dầu tăng vọt do OPEC trì hoãn tăng sản lượng

Giá dầu thô tăng mạnh sau khi OPEC+ quyết định trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày, đẩy giá dầu WTI lên 2,85%, trong khi căng thẳng Trung Đông leo thang.

Giá dầu thô tăng cao trong phiên giao dịch thứ Hai khi dầu WTI giao tháng 12 tăng 2,85% và xăng RBOB cũng tăng 2,68%. Đây là mức giá cao nhất trong một tuần qua, được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của chỉ số đồng đô la xuống mức thấp nhất trong hai tuần, làm tăng sức hấp dẫn của dầu trên thị trường.

 Giá dầu Brent tương lai tăng 1,98 đô la Mỹ, tương đương 2,7 phần trăm, lên 75,08 đô la Mỹ một thùng vào thứ Hai. Ảnh: Reuters

Giá dầu Brent tương lai tăng 1,98 đô la Mỹ, tương đương 2,7 phần trăm, lên 75,08 đô la Mỹ một thùng vào thứ Hai. Ảnh: Reuters

Quyết định của OPEC+ trong việc lùi kế hoạch tăng sản lượng dầu thô tháng 12 thêm một tháng cũng góp phần đẩy giá dầu lên cao. Ngoài ra, căng thẳng tại Trung Đông leo thang sau khi có thông tin từ Wall Street Journal về kế hoạch tấn công đáp trả của Iran vào Israel với các đầu đạn mạnh hơn.

Quyết định của OPEC+ vào ngày Chủ nhật đã đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp tổ chức này trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng 180.000 thùng/ngày. Tin tức từ cuối tuần trước cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 10 đã tăng thêm 370.000 thùng/ngày, đạt 26,9 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, những tuyên bố mạnh mẽ từ phía Iran hôm thứ Hai đã tạo thêm áp lực lên giá dầu, khi Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo về một "phản ứng nghiền nát" trước các cuộc không kích của Israel.

Dự trữ dầu thô toàn cầu giảm cũng là một yếu tố thúc đẩy giá dầu. Theo báo cáo từ Vortexa, lượng dầu lưu trữ trên các tàu chở dầu đứng yên trong ít nhất bảy ngày đã giảm 8,2% trong tuần kết thúc vào ngày 1 tháng 11, xuống còn 51,44 triệu thùng.

Mặc dù vật, nhu cầu dầu thô tại Trung Quốc suy yếu đã trở thành yếu tố làm giá dầu chịu áp lực. Theo số liệu của Bloomberg, tổng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 9 đã giảm 6,98% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 14,176 triệu thùng/ngày. Nhu cầu dầu trong chín tháng đầu năm 2024 cũng giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 13,99 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu thô của Nga gia tăng cũng tạo áp lực lên giá dầu. Số liệu từ Bloomberg cho thấy, xuất khẩu dầu thô của Nga tăng thêm 120.000 thùng/ngày, đạt 3,54 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 27 tháng 10. Tuy vậy, Bộ Năng lượng Nga báo cáo rằng sản lượng dầu thô của nước này trong tháng 9 giảm nhẹ còn 8,97 triệu thùng/ngày, thấp hơn mục tiêu 8,98 triệu thùng/ngày đã thống nhất với OPEC+.

Trong khi đó, báo cáo tuần qua từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tính đến ngày 25 tháng 10 thấp hơn 4,2% so với mức trung bình 5 năm cùng kỳ, trong khi dự trữ xăng giảm 3,5% và dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 8,8% so với mức trung bình này. Sản lượng dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 25 tháng 10 giữ nguyên ở mức kỷ lục 13,5 triệu thùng/ngày.

Theo dữ liệu từ Baker Hughes, số giàn khoan dầu hoạt động tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 1 tháng 11 giảm thêm một giàn xuống còn 479 giàn, chỉ nhỉnh hơn mức thấp nhất trong hai năm rưỡi là 477 giàn ghi nhận hồi tháng 7. Số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm mạnh so với mức cao nhất trong bốn năm là 627 giàn vào tháng 12 năm 2022.

Dũng Phan (Theo The Globe And Mail)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-dau-tang-vot-do-opec-tri-hoan-tang-san-luong-post320232.html