Giá điện 2 thành phần: Không dễ!
Cần có phương án quyết liệt để xây dựng biểu giá điện 2 thành phần, tránh 'đẽo cày giữa đường'
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về giá điện 2 thành phần - gồm giá công suất và giá điện năng. Giá điện 2 thành phần có thể hiểu tương tự giá cước điện thoại cố định, đó là khách hàng phải đóng một số tiền thuê bao cố định, bên cạnh phần sử dụng hằng tháng.
Thí điểm với khách hàng sản xuất
Theo đó, EVN đề xuất áp dụng phương án cơ sở - là hệ thống giá thuần túy phản ánh chi phí cung cấp điện và có xét tới đặc điểm tiêu dùng điện của các nhóm khách hàng.
Phương án trên cũng phân loại các nhóm khách hàng, gồm khách hàng ngoài sinh hoạt; khách hàng sinh hoạt với sản lượng tới 2.000 KWh/tháng; khách hàng sinh hoạt với sản lượng trên 2.000 KWh/tháng; phân loại theo cấp điện áp là siêu cao áp, cao áp, trung áp và hạ áp.
Với khách hàng ngoài sinh hoạt, EVN đề xuất chung một biểu giá điện hai thành phần theo dạng giá công suất và giá điện năng cao - thấp điểm. Nhóm này gồm khu vực sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp trong hệ thống giá hiện hành.
Khách hàng sinh hoạt có quy mô, sản lượng tiêu dùng lớn hơn 2.000 KWh/tháng được áp dụng giống khách hàng ngoài sinh hoạt nhưng tiêu dùng ở cấp điện áp hạ áp. Thống kê cho thấy nhóm này lên tới 56.000 khách hàng nên việc trang bị hệ thống đo đếm hai thành phần chưa thể thực hiện được ở giai đoạn trước mắt. Vì vậy, EVN đề xuất xem xét phương án giá 2 thành phần theo cách thức áp dụng với hộ có sản lượng dưới 2.000 KWh/tháng, tức là thu giá cố định theo gói và giá điện năng không đổi.
Với nhóm khách hàng có sản lượng tiêu dùng dưới 2.000 KWh/tháng, biểu giá sinh hoạt hai thành phần sẽ bao gồm giá cố định theo quy mô tiêu dùng và giá điện năng đồng giá (mức 1.598 đồng/KWh). Do nhóm khách hàng này đông, trong đó riêng khách hàng tiêu dùng dưới 50 KWh/tháng vẫn được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ, nên quy mô tiêu dùng để tính giá cố định đang được xây dựng theo dạng bậc thang hiện hành.
Dựa trên phân tích, EVN đề xuất hệ thống biểu giá áp dụng cho một số nhóm khách hàng cụ thể trong giai đoạn hiện nay. Trước mắt, áp dụng cho các khách hàng theo Nghị định 80/2024 của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Bên cạnh đó, cũng cần điều tiết biểu giá 2 thành phần trong điều kiện tồn tại 2 hệ thống giá là giá hiện hành và giá 2 thành phần.
Về lộ trình, sau giai đoạn thử nghiệm, EVN đề xuất áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần thí điểm cho khách hàng sản xuất tại Nghị định 80/2024. "Phương án lý tưởng là từ ngày 1-1-2025 sẽ triển khai cho toàn bộ khách hàng, nếu như giai đoạn thử nghiệm đề xuất trên được triển khai và kết thúc như dự kiến" - EVN nêu quan điểm.
Cần triển khai bài bản
Cũng theo EVN, trong giai đoạn áp dụng chính thức giá điện hai thành phần cho nhóm khách hàng trên, cần tiếp tục vi chỉnh các cơ cấu biểu giá điện hiện hành - nhất là nhóm hộ sản xuất và kinh doanh - để từng bước giảm bớt sự khác biệt về giá, làm căn cứ mở rộng việc áp dụng giá điện này ở giai đoạn tiếp theo. "Cần triển khai một cách bài bản, kỹ lưỡng, tránh các tác động không mong muốn, làm sai lệch mục tiêu thay thế hệ thống giá bán lẻ điện hiện hành bằng hệ thống giá điện 2 thành phần" - EVN nhận định.
PGS-TS Trần Văn Bình, ĐH Bách khoa Hà Nội, nhìn nhận việc khách hàng sử dụng nhiều điện vào giờ cao điểm khiến ngành điện phải huy động các nhà máy có giá thành cao, dẫn đến bán ra không đủ bù lỗ. Do đó, việc xây dựng và thực hiện biểu giá điện hai thành phần là phù hợp, cần thiết để có biểu giá điện bền vững, tránh bù chéo giữa các nhóm khách hàng.
"Tuy nhiên, việc xây dựng biểu giá điện 2 thành phần sẽ phức tạp, cần có phương án quyết liệt, phù hợp, tránh "đẽo cày giữa đường" nếu phát sinh nhiều ý kiến đóng góp" - PGS-TS Trần Văn Bình lưu ý và nhấn mạnh áp dụng biểu giá điện hai thành phần là "con đường phải làm dù có khó khăn".
Liên quan cơ chế giá điện hai thành phần, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, thông tin sau khi đề xuất nghiên cứu trên được hoàn thành, việc thí điểm sẽ được áp dụng trên một số tệp khách hàng, sau đó báo cáo Thủ tướng phương án triển khai khi có kết quả thí điểm. "Giá điện hai thành phần là xu hướng của thế giới, tuy nhiên khi áp dụng ở Việt Nam, cần phải tính toán, phân tích kỹ trên cơ sở nghiên cứu khoa học và thực tiễn" - ông Hòa nói.
Cần bổ sung quy định giá điện 2 thành phần vào dự thảo Luật Điện lực
Bộ Công Thương vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cần bổ sung các quy định liên quan lĩnh vực hoạt động điện lực trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), bao gồm quy định về giá điện hai thành phần.
Giải trình, tiếp thu, Bộ Công Thương cho rằng phạm vi điều chỉnh của luật cần khái quát các nhóm vấn đề lớn được điều chỉnh, trong đó giá điện hai thành phần chỉ là một nội dung nhỏ trong giá điện. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Điện lực cũng đã có quy định liên quan giá điện hai thành phần. Cụ thể, Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt lộ trình giảm bù chéo giá điện theo quy định tại khoản 12 Điều 5 luật này; lộ trình cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, bao gồm giá bán lẻ điện có nhiều thành phần.
H.Dương
Lo ngại tác động lớn đến các nhóm khách hàng
EVN cho rằng việc cải cách giá điện nói chung cần được xem xét trong thời điểm Việt Nam đang chuyển đổi sang cơ chế thị trường đối với phát điện, bán buôn, bán lẻ điện. Việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ tác động đến các nhóm khách hàng, các hộ sử dụng điện, trong đó có thể khiến tăng hoặc giảm giá điện, so với cơ chế giá một thành phần như hiện nay. Điều này sẽ tạo ra những phản ứng trái chiều trong dư luận, cần truyền thông để tạo sự đồng thuận.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-dien-2-thanh-phan-khong-de-196241104214614833.htm