Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng

Gia đình có vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội. Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm 2023 với chủ đề Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng, một lần nữa khẳng định sức mạnh trường tồn của quốc gia, dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại và phát triển của mỗi gia đình. Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến về việc này.

BÀ LÊ ĐÀO AN XUÂN, CHỦ TỊCH HỘI LHPN PHÚ YÊN: Kế thừa truyền thống, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc

Ngày 28/6 hằng năm là dịp đặc biệt để chúng ta cùng nhìn lại và nỗ lực xây dựng, gìn giữ, phát triển gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Thực tiễn đã chứng minh gia đình yên ấm, hạnh phúc là tiền đề quan trọng để mỗi thành viên hình thành, phát triển nhân cách cũng như tạo động lực lao động, sáng tạo đạt hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy, vun đắp, lưu giữ những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, tiếp thu những giá trị mới là cách chúng ta cùng nhau hướng đến tương lai. Nơi mà ở đó, trách nhiệm giữa nam và nữ trong việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng; bạo lực gia đình bị lên án; phụ nữ bình đẳng với nam giới trong việc quyết định những công việc quan trọng của gia đình, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội; quyền trẻ em được bảo vệ và phát huy.

Tôi cho rằng, một gia đình hiện đại ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cần có sự đóng góp của tất cả thành viên. Trong đó, mỗi người vợ hoặc chồng, ông bà, con cháu đều cần có những cách riêng để thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, gắn kết. Với riêng tôi, ngày Gia đình Việt Nam là dịp đặc biệt để cả gia đình cùng ngồi lại bên nhau, tưởng nhớ, biết ơn ông bà tổ tiên; nhìn lại và ghi nhớ những kỷ niệm yêu thương, cùng nhau tạo nên những kỷ niệm mới với sự ấm áp, sẻ chia… để biết rằng, dù có bộn bề với trăm công nghìn việcthì gia đình vẫn là nơi để trở về.

BÀ PHAN THỊ DIỆU, GIÁO VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ PHÚ YÊN: Dành thời gian cho gia đình để vun bồi hạnh phúc

Nhịp sống hiện đại vội vã khiến chúng ta chạy theo công việc, sở thích cá nhân, các mối quan hệ xã hội mà nhiều khi quên đi những phút giây dành cho gia đình. Cũng từ đó, những cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa các thành viên dần được thay bằng các cuộc gọi điện thoại chớp nhoáng, qua loa. Thời gian trò chuyện, quây quần bên gia đình trở nên hiếm hoi. Các bữa cơm ngồi với nhau trở nên thưa thớt. Ông bà muốn gặp con cháu, ba mẹ muốn gặp con cái cũng chẳng có nhiều dịp.

Để gia đình là nơi tụ họp của các thành viên sau một ngày đối mặt với bao bận rộn, lo toan, mỗi người chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau hành động, cùng có ý thức về sum họp trong gia đình. Sự sum họp này có khi đơn giản chỉ là cùng ăn bữa cơm thân mật hay bữa tiệc liên hoan nho nhỏ; cùng gặp mặt các thành viên trong gia đình để trao đổi, sẻ chia, tâm sự những vui buồn...

Tôi quan niệm rằng, gia đình là mảnh đất cho nhân cách nảy mầm, là cội nguồn của những tình cảm quý báu thiêng liêng. Và dành thời gian cho gia đình chính là cách để vun bồi hạnh phúc, kiến tạo nên tương lai tốt đẹp. Cho nên, cuộc sống dù bận rộn nhưng tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian cho gia đình nhỏ, dõi theo từng bước đi của các con. Tôi cũng trân trọng từng khoảng thời gian ở bên ba mẹ khi họ đang còn khỏe mạnh, bên các anh chị em đang nỗ lực từng ngày để xây dựng cuộc sống tốt hơn. Tôi biết rằng, dù mình bao nhiêu tuổi đi chăng nữa, gia đình mãi là nơi mà những yêu thương, sự sẻ chia, hỗ trợ luôn đồng hành trong suốt cuộc đời.

BÀ TRẦN THỊ TRÚC (XÃ AN HIỆP, HUYỆN TUY AN): Bồi dưỡng, giáo dục lối sống, đạo đức cho con cháu

Hơn 40 năm chung sống, vợ chồng tôi vẫn luôn chăm sóc và quan tâm nhau như thời còn son trẻ. Chúng tôi có 6 người con, một số làm việc và sinh sống ở nơi xa, còn lại lập gia đình ở gần nhà. Hàng tuần, con cháu thay phiên nhau về thăm chúng tôi. Những phút giây gặp gỡ cùng với các con, các cháu cũng đủ làm chúng tôi vui suốt cả tuần.

Là một người vợ, người mẹ, người bà trong gia đình, tôi luôn tự nhủ phải sống mẫu mực để dạy dỗ con cháu trong nhà, nhất là trong cách đối nhân xử thế. Với tâm niệm ấy, bao năm nay, tôi luôn cố gắng “điều hòa” tốt các mối quan hệ trong gia đình để trong ấm, ngoài êm. Vợ chồng tôi luôn dạy con cháu phải yêu thương, lễ phép, hiếu kính với ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi. Các con trai gái, dâu rể cố gắng xây dựng gia đình đầm ấm, thuận hòa và trở thành những công dân tốt cho xã hội.

“Nhân vô thập toàn”, đã là con người không ai không có thiếu sót nên cần phải sống với những người thân yêu của mình và mọi người xung quanh bằng một tấm lòng rộng mở, bao dung. Đây chính là điều mà bậc làm cha, làm mẹ, ông bà như chúng tôi có thể làm để vun đắp, bồi dưỡng, giáo dục lối sống, đạo đức cho con cháu.

THÁI HÀ - THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/300067/gia-dinh-hanh-phuc-quoc-gia-thinh-vuong.html