Già hóa dân số tại Đông Á ảnh hưởng đến hồi phục hậu COVID-19

Thống kê công bố ngày 11/5 cho thấy Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số. Không chỉ riêng Trung Quốc, hầu hết các nước Đông Á đều có rủi ro này và các chuyên gia đánh giá diễn biến có thể tác động đến khả năng hồi phục toàn cầu hậu dịch COVID-19.

Dân số Hàn Quốc đã giảm trong năm 2020. Ảnh: Yonhap

Dân số Hàn Quốc đã giảm trong năm 2020. Ảnh: Yonhap

Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn thông báo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tổng dân số của nước này đạt mốc 1,411 tỷ người năm 2020, tăng 72 triệu người so với năm 2010. Bên cạnh đó, dân số trong độ tuổi lao động (15-59) giảm xuống chỉ còn 894 triệu người trong năm 2020. Tỷ lệ trẻ em trong dân số tăng so với năm 2010 nhưng nhóm người trên 60 tuổi cũng đang theo đà đi lên.

Những quốc gia Đông Á khác cũng chịu áp lực về nguy cơ già hóa dân số dẫn đến ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội. Trong khi đó, các nhà kinh tế học đang coi Đông Á là một trong những nguồn tiềm năng nhất cho phát triển hậu COVID-19.

Ông Andrew Mason tại Đại học Hawaii (Mỹ) phân tích: “Tỷ lệ sinh tại Đông Á thấp hơn nhiều so với những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp khác trên toàn thế giới. Điều này dẫn đến tình trạng giảm dân số, giảm mức sống, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng trưởng chậm cùng nhiều thách thức kinh tế nghiêm trọng khác”.

Số trẻ em mới sinh tại Nhật Bản năm 2020 cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục. Theo dữ liệu Bộ Y tế Nhật Bản công bố vào tháng 2, năm 2020 có 872.683 trẻ mới sinh tại nước này, giảm 25.917 trẻ so với năm trước đó.

Trong khi đó ở Hàn Quốc, dân số bắt đầu giảm từ năm 2020. Hãng thông tấn Yonhap cho biết dựa trên dữ liệu công bố vào tháng 1, dân số Hàn Quốc tính đến tháng 12/2020 là 51.829.023 người, giảm 20.838 người so với năm trước đó. Dân số Hàn Quốc liên tục tăng hàng năm trong thập niên gần đây nhưng tỷ lệ tăng đã giảm từ 1,49% năm 2010 xuống chỉ còn 0,05% năm 2019.

Dân số trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc đang theo đà giảm. Ảnh: AP

Dân số trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc đang theo đà giảm. Ảnh: AP

Những năm qua, chính phủ các quốc gia Đông Á đã đưa ra nhiều chính sách để đảo ngược tình trạng già hóa dân số. Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con bằng khoản hỗ trợ kinh phí sinh hoạt hậu hĩnh. Trung Quốc đã chuyển chính sách sinh một con kéo dài nhiều thập niên sang sinh hai con từ năm 2015.

Từ vài năm trước, tỉnh Hắc Long Giang tại Trung Quốc đã áp dụng thử nghiệm chính sách sinh 3 con. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá kết quả không đạt được như kỳ vọng. Điều này dẫn đến lời kêu gọi loại bỏ hoàn toàn chính sách kiểm soát sinh sản tại Trung Quốc.

Nhưng Giáo sư Wang Feng tại Đại học California Irvine (Mỹ) cho rằng dường như đã quá muộn để chính phủ Trung Quốc sửa chữa. Ngoài ra, ông Wang Feng phân tích có nhiều lý do khiến các quốc gia Đông Á rơi vào tình trạng hiện nay, một trong số đó là mất cân bằng giới tính.

Ông Stuart Gietel-Basten tại Đại học Công nghệ và Khoa học Hong Kong (Trung Quốc) nhấn mạnh: “Không có phép thần để xử lý vấn đề tỷ lệ sinh thấp. Trong những năm tới, vấn đề này sẽ khác biệt ở những khu vực khác nhau. Nhưng chúng ta cũng có nhiều đòn bẩy để sử dụng”.

Theo ông Stuart, đó là hỗ trợ người lao động tăng năng xuất và kéo dài độ tuổi về hưu. Nhưng ông cũng cảnh báo: “Khi những ý tưởng này được chuyển thành chính sách thì có thể phát sinh thách thức và hậu quả, với bất kể quốc gia nào trong khu vực”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gia-hoa-dan-so-tai-dong-a-anh-huong-den-hoi-phuc-hau-covid19-20210511205856751.htm