Gia Lai: Dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, 254 ổ dịch chưa được khống chế

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục gia tăng trong tuần qua, với trên 600 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh này trong toàn tỉnh lên gần 5.700 trường hợp; trong đó có 1 ca tử vong.

Tính riêng từ đầu tháng 9.2022 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.500 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), gần bằng với số ca mắc của cả tháng 8.2022 với 1.700 ca. So với cùng kỳ năm 2021, dịch bệnh SXH tăng 8,5 lần. Hiện dịch bệnh SXH được ghi nhận tại 179/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Đăk Pơ 640 ca, TP. Pleiku 603 ca, Krông Pa 508 ca, Ia Grai 462 ca, Chư Pưh 469 ca, Chư Prông 497 ca…

Trung tâm y tế TP Pleiku quá tải khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện có chiều hướng gia tăng.

Trung tâm y tế TP Pleiku quá tải khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện có chiều hướng gia tăng.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai Hồ Ngọc Gia: Để xử lý các ổ dịch và kiểm soát số ca bệnh có chiều hướng tăng cao trong thời gian đến, vừa qua Trung tâm đã cử cán bộ phối hợp với đoàn giám sát của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên giám sát công tác phòng chống SXH tại Trung tâm Y tế các huyện Chư Sê, Đăk Pơ và tiến hành điều tra véc tơ truyền bệnh, giám sát công tác xử lý các ổ dịch. Hiện toàn tỉnh còn 254 ổ dịch chưa được khống chế, 1.072 ổ dịch đã được phát hiện, xử lý từ đầu năm đến nay.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng và nhà trường, hiện toàn ngành giáo dục của tỉnh Gia Lai cũng đã phối hợp triển khai tiêm chủng, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tại các trường học, đồng thời chú trọng đến việc phòng, chống các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, cúm A...

Năm học này, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) có 1.499 học sinh; trong đó, khối 1 và 2 (12 lớp) học bán trú với 455 em. Cô Bùi Thị Phương Hoa - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Vấn đề phòng, chống dịch bệnh được chúng tôi triển khai ngay từ đầu năm học. Theo đó, nhà trường hợp đồng với Trạm Y tế phường Ia Kring trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh theo định kỳ. Bên cạnh đó, nhà trường còn duy trì hoạt động rèn luyện sức khỏe, vận động, thể dục thể thao… để nâng cao sức đề kháng.

Người dân đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng.

Người dân đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng.

Để công tác phòng chống SXH đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Gia Lai Sở Y tế tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân chung tay diệt lăng quăng/bọ gậy, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, thu gom vật dụng phế thải chứa nước như lốp xe, xô chậu, chai, lọ... nhằm ngăn chặn sự phát triển của véc tơ truyền bệnh SXH. khi người dân có các dấu hiệu như: sốt, đau đầu, đau hốc mắt, buồn nôn hoặc nôn mửa, nổi hạch, đau cơ, đau khớp xương, phát ban…cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời để tránh các biến chứng.

Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành tại các địa phương chung tay phối hợp, có những biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng để ngăn chăn sự lây lan và bùng phát của các ổ dịch SXH trên địa bàn toàn tỉnh.

Quang Huy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/gia-lai-dich-benh-sot-xuat-huyet-gia-tang-254-o-dich-chua-duoc-khong-che-i301159/