Gia Lai kiến nghị tháo gỡ vướng mắc đối với hộ dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ, phát triển rừng

Trong quá trình thực hiện Dự án 3 về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững gắn bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Gia Lai đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững gắn bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Theo thống kê của tỉnh Gia Lai, năm 2023, tổng nguồn vốn Chương trình phân bổ cho các địa phương và đơn vị chủ rừng là hơn 55,3 tỷ đồng để hỗ trợ các hoạt động khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã thuộc khu vực II, khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

 Phát dọn thực bì rừng trồng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang, Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai

Phát dọn thực bì rừng trồng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang, Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai

UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ban Quản lý dự án hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phối hợp cùng các ngành liên quan, các xã và chủ rừng triển khai quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, giúp người dân thay đổi nhận thức, kê khai diện tích đất trống, đất canh tác cây nông nghiệp quy hoạch trên đất lâm nghiệp để trồng rừng; tập trung xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng.

Đánh giá chung, việc triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 3 trên địa bàn tỉnh Gia Lai tạo động lực thúc đẩy công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.

Đến nay, đã có 12/14 huyện và 14/18 chủ rừng đã thực hiện khoán bảo vệ rừng được 21.953,29 ha; hỗ trợ bảo vệ rừng được 3.355,61 ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích khoảng 120 ha.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 ở các địa phương trong tỉnh Gia Lai cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi cộm nhất là việc trợ cấp gạo cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng hiện vẫn chưa triển khai thực hiện. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, nguyên nhân là do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương để xác định tiêu chí “hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực”.

Bên cạnh đó, đối tượng, tiêu chí được hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa phù hợp; tiêu chí đã sử dụng đất ổn định từ 3 năm trở lên không tranh chấp cũng chưa phù hợp với đối tượng được hỗ trợ.

Không những vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai cũng cho rằng, về thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ, phần lớn người dân không đủ năng lực để thực hiện những hạng mục này.

Nói về những vướng mắc khi triển khai Tiểu dự án 1, ông Võ Minh Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang thông tin, nội dung hỗ trợ bảo vệ rừng quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cộng đồng, hộ gia đình 400 ngàn đồng/ha của Tiểu dự án này đang chồng chéo với nguồn kinh phí hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đăng ký trồng rừng sản xuất là đất lâm nghiệp chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa thể thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai cho biết thêm, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 cùng với việc đề xuất phân bổ vốn.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ông Hoan kiến nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hỗ trợ gạo bảo vệ, phát triển rừng; thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ và cây lâm sản ngoài gỗ giúp người dân sớm thụ hưởng từ chương trình.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-kien-nghi-thao-go-vuong-mac-doi-voi-ho-dan-toc-thieu-so-tham-gia-bao-ve-phat-trien-rung-post274939.html