Giá phân bón tăng, nông dân và đại lý cùng khó
Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân, đồng thời cũng khiến các đại lý kinh doanh gặp khó khăn.
Nguồn cung giảm
Khảo sát tại một số cửa hàng vật tư nông nghiệp, giá phân bón đang ở mức cao, tăng từ 50.000-260.000 đồng/bao loại 50 kg so với thời điểm đầu năm. Giá đạm urê Phú Mỹ hiện từ 610.000-620.000 đồng/bao, tăng khoảng 260.000 đồng/bao; đạm Hà Bắc từ 320.000 đồng tăng lên 570.000 đồng/bao; phân bón Đầu Trâu từ 610.000 đồng tăng lên 715.000 đồng/bao; kali Canada từ 375.000 đồng tăng lên 550.000 đồng/bao...
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, giá phân bón tăng cao do nguyên liệu sản xuất phân bón tăng từ 15-50%, cá biệt phân đạm tăng trên 100%. Trụ sở nhiều công ty cung ứng đang ở vùng dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Việc tiếp thị, vận chuyển, cung ứng hàng hóa đến các địa phương bị hạn chế.
Từ đầu năm 2020, chính sách bán hàng của nhiều doanh nghiệp lớn đã thay đổi, không cho khách hàng nợ và không bán hàng ký gửi nên đa số các đại lý trong tỉnh không nhập hàng tích trữ mà nhập hàng đến đâu bán đến đó. Khi dịch bệnh bùng phát, việc lưu thông hàng hóa khó khăn, phát sinh thêm nhiều chi phí (tăng cước vận chuyển do giá xăng dầu tăng, chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ cho lái xe)...
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nhu cầu về phân bón của tỉnh giai đoạn này tập trung từ tháng 8 đến tháng11 với tổng sản lượng khoảng 85.000 tấn. Hiện lượng phân bón còn tồn và khả năng cung ứng của một số nhà máy trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 60-70%, còn lại là nhập từ bên ngoài.
Nông dân lo lỗ, sức mua giảm
Ông Nguyễn Duy Chính ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) có hơn 1 ha trồng ổi. Từ giữa tháng 6, ông bắt đầu bón thúc cho cây ổi trái vụ. Tuy nhiên, do giá phân bón tăng cao nên ông cũng như nhiều nông dân trồng ổi khác vừa bón cầm chừng vừa nghe ngóng đợi giá phân bón "hạ nhiệt". Ông Chính cho biết: "Từ đầu vụ, giá phân bón liên tục tăng nên chỉ tính chi phí phân bón, tôi đã mất khoảng 6 triệu đồng. Chưa biết giá ổi khi thu hoạch sắp tới sẽ ra sao nhưng việc chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá nông sản giảm như hiện nay thì nhiều nông dân như chúng tôi thu không đủ bù chi".
Không chỉ nông dân thêm khó khăn mà những đại lý cũng không kém phần lao đao vì giá phân bón liên tục tăng. Hơn 20 năm kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp nhưng theo chị Lê Thị Thiết, chủ một đại lý phân bón ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) thì chưa bao giờ đại lý của chị rơi vào tình cảnh như hiện nay. Sức mua giảm nhiều hơn trước. Đại lý phải thanh toán tiền ngay mới được lấy hàng trong khi lại phải bán nợ cho nhiều nông dân trong thời gian dài. Nhiều người đến khi thu hoạch, bán thóc mới thanh toán tiền, thậm chí một số trở thành nợ xấu. Để có vốn nhập hàng, chị Thiết phải xoay xở, thậm chí bán một số tài sản giá trị của gia đình.
Theo chị Nguyễn Thị Xuân, chủ đại lý phân bón ở xã Thanh Hải (Thanh Hà), do giá phân bón tăng cao nên chị chỉ nhập lượng hạn chế để đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện tại chứ không nhập về dự trữ trong kho. Việc tiêu thụ phân bón cũng chậm hơn mọi năm vì bà con nông dân còn đang nghe ngóng tình hình giá cả. Theo nhận định của chị, mức tiêu thụ phân bón của vụ này cũng kém hơn. Những vụ trước chị bán từ 20 tấn trở lên, còn vụ này chỉ nhập 15 tấn nhưng hiện vẫn còn hơn 5 tấn trong kho.
Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo cấy hơn 55.310 ha lúa, gieo trồng khoảng 8.084 ha rau màu. Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân. Nông dân cần theo dõi tình hình thời tiết, chăm sóc và bón phân theo từng giai đoạn phù hợp để bảo đảm lúa, rau màu, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng dịch bệnh để nâng giá phân bón.