Giả quân Nhật tước súng quân Pháp

Đồn Bần Yên Nhân nằm bên Quốc lộ 5, cách Hà Nội 26km, do thực dân Pháp thiết lập nhằm đàn áp cuộc khởi nghĩa của cụ Tán Thuật và khống chế nhân dân 4 phủ, huyện: Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu và bảo vệ đường số 5 chiến lược nối liền Hải Phòng với Hà Nội.

Đồn trú ở đây có một trung đội lính khố xanh gần 40 tên ngụy, do tên quan một người Pháp tên là Boulangié chỉ huy. Đồn có kiến trúc sơ sài, hình chữ nhật, dài 200m, rộng 100m; trong đồn có một lô cốt chính cao 3 tầng bằng bê tông dày 60cm. Ở hai góc đồn, mỗi nơi có một chòi canh bằng tre. Đồn có khu nhà ở của lính, một nhà bếp, nhà kho, một gian xà lim để giam giữ những người bị bắt. Vũ khí có 24 khẩu súng trường, 3 khẩu trung liên FM15, 2 khẩu súng săn, 1 súng lục của chỉ huy đồn, mấy hòm đạn và lựu đạn...

Đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Hà Nội. Tình hình phố Bần bề ngoài vẫn bình thường nhưng nhiều nhà đã thu xếp cho trẻ con sơ tán vào các làng xa đường số 5. Lợi dụng tình hình Nhật đảo chính Pháp, lực lượng Việt Minh đã trinh sát, móc nối với người theo Việt Minh cài được trong hàng ngũ của địch để nắm tình hình. Qua đó, ta biết có công văn tối mật của tên quan tư giám binh người Pháp trên tỉnh lệnh về: “Cả đồn phải bó súng lại, sẵn sàng nộp cho Nhật. Tuyệt đối cấm, không được chống cự lại. Kẻ nào không tuân lệnh sẽ bị nghiêm trị theo quân pháp”. Từ đó, tự vệ chiến đấu của Việt Minh xây dựng phương án bí mật “đóng giả quân Nhật đến tước vũ khí quân Pháp”.

Đêm 12-3-1945, trời tối đen như mực. Anh em tự vệ chiến đấu đi lẻ từng người một để tránh địch nghi ngờ. Hoàng Thế Dũng, người của Việt Minh đóng vai thông ngôn cho viên võ quan Nhật chỉ huy quân về tước vũ khí đồn Bần, dẫn anh em tự vệ xông thẳng đến lô cốt-nơi địch để súng đã bó sẵn cùng đạn dược. Phía trong đồn vẫn yên tĩnh, đèn ở lô cốt chính và các gian nhà đã bật sáng, làm nổi bật cái khăn trắng ngoài lỗ châu mai (ký hiệu của nội ứng). Đi đầu đội quân Nhật giả là anh Nguyễn Phương Thảo (Trung tướng Nguyễn Bình sau này). Thông ngôn giả Hoàng Thế Dũng đi giữa. Bên cạnh anh còn có một viên sĩ quan Nhật giả nữa là anh Nguyễn Ngọc Vân.

Cả đội tự vệ chiến đấu chỉ có hai khẩu súng lục, còn lại toàn là vũ khí thô sơ. “Lựu đạn” đựng trong rọ tre đều là lựu đạn giả làm bằng tre và quả đu đủ gọt theo hình quả lựu đạn rồi sơn hắc ín.

Khi đến cổng đồn, các tự vệ đốt mấy dây pháo tống giả làm tiếng súng uy hiếp binh lính địch. Sau đó, đội tự vệ tiến thẳng vào đồn. Trong vai thông ngôn, Hoàng Thế Dũng hô to: "Quân đội Nhật về thu súng. Ai chống cự sẽ bị chém đầu. Binh lính Việt mau nộp vũ khí cho các quan!".

Cổng đồn mở toang. Cả đội quân ồ ạt tiến vào... Bốn, năm bó súng bọc trong chiếu đã được xếp gọn một góc trên sàn ngủ. Dưới chân sàn là một hòm đạn to.

Trận này, ta tước được 24 khẩu Mousqueton và Indochinois, 2 khẩu súng săn, 1 hòm đạn 6.000 viên... trước khi quân Nhật về đồn 10 phút!

LÊ HOÀI THAO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/gia-quan-nhat-tuoc-sung-quan-phap-649980