Giá tăng như 'lên đồng', gia tăng tình trạng khan hiếm vàng

Giá vàng tăng vọt, nhưng người dân có nhu cầu mua vàng đến cửa hàng của các doanh nghiệp lớn vẫn không thể mua nổi nhẫn tròn trơn hay vàng miếng SJC, trong khi thị trường vàng 'online' dồi dào nguồn cung.

Giá nhẫn trơn tại các thương hiệu lớn trong hai ngày qua tăng 2,4 triệu đồng/lượng, xô đổ các kỷ lục trước đó, lần đầu chạm ngưỡng 88 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC đứng yên ở vùng 87 - 89 triệu/lượng.

Như vậy, chỉ tính từ đầu tháng, giá vàng SJC đã tăng 5 triệu đồng/lượng. Còn nếu so với giá đầu tháng 6 kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bán vàng miếng thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC thì mức tăng thêm là 9 triệu đồng/lượng. Tính từ đầu năm đến nay, vàng miếng SJC đã tăng 15,5 triệu đồng/lượng, tương ứng 21%.

Với vàng nhẫn, mức tăng từ đầu tháng đến nay là 8,1 triệu đồng ở cả chiều mua vào và bán ra, tương đương hiệu suất sinh lời hơn 10%. Còn so với đầu năm, nhẫn tròn trơn đã tăng gần 25 triệu đồng, tương đương mức sinh lời gần 40%.

So với đầu năm, nhẫn tròn trơn đã tăng gần 25 triệu đồng/lượng, tương đương mức sinh lời gần 40%.

So với đầu năm, nhẫn tròn trơn đã tăng gần 25 triệu đồng/lượng, tương đương mức sinh lời gần 40%.

Trong bối cảnh giá vàng tăng dựng đứng xuất hiện tình trạng khan hiếm vàng nhẫn tại Hà Nội. Nhu cầu mua vàng của người dân đã tăng đột biến, mặt hàng này càng trở nên khan hiếm. Không ít người muốn mua vàng nhưng ra về "tay trắng" dù đã chuẩn bị tài chính đầy đủ.

Chị Lê Thúy (Hoàng Mai) cho rằng giá vàng 9999 được niêm yết cứ nhảy múa liên tục, trong khi người dân rất khó mua được, cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn. “Bản thân tôi đã từ bỏ ý định mua vàng vì mua qua ngân hàng đăng ký “hết hơi”, đến khi bấm gửi ngân hàng thì chỉ nhận được thông báo hết lượt, dù mới mở cho đăng ký online vài phút. Đến cửa hàng vàng lúc nào cũng nói hết, không biết bao giờ có vì không chủ động được nguồn cung”, chị chia sẻ.

Chị Hải Châu (Hoàn Kiếm) than thở: "Tôi muốn mua 3 chỉ vàng để làm quà đi ăn cưới mà khó mua quá. Sáng 23/10, tôi đến cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu trên đường Trần Nhân Tông, nhân viên ở đây cho biết đã hết vàng, sang Bảo Tín Mạnh Hải mua thì được hẹn giao giấy gần tháng sau mới trả thì lại không kịp việc của gia đình; thậm chí đã đến Công ty TNHH vàng Quốc Trinh (Hoàn Kiếm) cũng không còn”.

Không còn cách nào khác, chị Châu tham khảo một số trang mạng xã hội, thấy vàng nhẫn đang được rao bán với giá 87-88 triệu đồng/lượng (mua - bán), đắt hơn 1-2 triệu đồng so với giá các "nhà vàng" niêm yết nhưng vẫn phải "xuống tiền".

Theo lý giải của các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng dựng đứng theo đà đi lên của thế giới. Giá vàng thế giới giao dịch xoay quanh mức 2.734 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank đang ở mức khoảng 84 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Hiện, vàng miếng SJC cao hơn thế giới 5 triệu đồng/lượng trong khi vàng nhẫn 4 số 9 cao hơn 4,7 triệu đồng.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận định kim loại quý thế giới tăng cao và có thể còn trong xu hướng tăng khi hàng loạt thông tin khá tiêu cực trên thị trường thế giới. Trong đó, những xung đột từ châu Âu đến Trung Đông ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Mặc dù từ những tuyên bố, khẩu chiến của nhiều quốc gia đến thực tế cũng còn xa nhưng đối với thị trường tài chính thường phản ứng trước nên tâm lý lo ngại lan nhanh. Từ đó dẫn đến đợt sóng mạnh trên thị trường tài chính nói chung, nhất là vàng và USD. Đồng thời, càng gần đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ thì cũng sẽ có nhiều biến động hơn tác động đồng USD và cũng lan sang xu hướng kim loại quý.

Giá vàng trong nước cũng điều chỉnh tăng theo thế giới là tất yếu. NHNN vẫn đang kiểm soát chặt giao dịch vàng miếng và chưa biết đến khi nào thị trường mới quay trở lại dễ mua dễ bán như trước đây. Vì vậy, ông Hiển cho rằng những yếu tố làm tăng giá vàng đợt này bất cứ lúc nào cũng hạ nhiệt. Đợt tăng mạnh này cũng sẽ khó kéo dài nên người mua vào phải cẩn thận vì dễ bị thua lỗ.

Thị trường vàng chính thống khan hiếm dẫn đến một thị trường "chợ đen" hình thành khi mà người dân có nhu cầu có thể tự lên mạng để tìm nguồn cung.

Trên các nhóm giao lưu vàng, người dân đăng bài tìm khách liên tục. Đơn cử, nếu giá vàng được niêm yết ở mức 86-88 triệu đồng/lượng (mua - bán), người này sẽ bán ra với giá 87 triệu đồng. Như vậy, người mua đã mua thấp hơn được 1 triệu đồng, còn người rao bán cao hơn được 1 triệu đồng. Người bán cũng được hưởng giá cao, người mua cũng được mua giá thấp hơn so với giao dịch tại cửa hàng chính thống.

Trên các hội nhóm, trang cá nhân cũng không khó để tìm những tin rao, chào mời đăng ký mua vàng hộ với những lời cam kết "uy tín, tỷ lệ thành công đến hơn 90%", giao vàng mới nhận tiền phí, hoặc có mã QR thanh toán, có mail báo xác nhận mới nhận phí, không nhận tiền cọc…

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, NHNN cho biết các giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng được triển khai quyết liệt, giúp ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp. Chênh lệch giữa giá trong nước, quốc tế chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng. Việc vàng miếng SJC được bán qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC giúp hàng tới trực tiếp người dân có nhu cầu.

Nhà chức trách cũng tăng giám sát, kiểm tra và xử lý hành vi đầu cơ, buôn lậu, vi phạm kinh doanh vàng. Hiện, 100% doanh nghiệp kinh doanh vàng áp dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, khi thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng quản lý thị trường vàng vẫn còn bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. "Người dân rất khó mua vàng miếng SJC khi đặt mua trực tuyến. Điều này cho thấy giá vàng miếng hiện không phản ánh đúng cung - cầu thị trường", cơ quan thẩm tra nêu.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/gia-tang-nhu-len-dong-gia-tang-tinh-trang-khan-hiem-vang-1103194.html