Giá trị vốn hóa thị trường UPCoM đạt hơn 1.460 nghìn tỷ đồng
Tại thời điểm ngày 31/10/2024, giá trị vốn hóa thị trường UPCoM đạt hơn 1.464 nghìn tỷ đồng, tăng 2,17% so với tháng trước.
Giá trị vốn hóa tăng 2,17% so với tháng trước
Tháng 10/2024, Chỉ số UPCoM-Index đóng cửa đạt 92,38 điểm (giảm 1,26%), trong khi đó thanh khoản trên thị trường UPCoM có xu hướng tăng nhẹ.
Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 45,72 triệu cổ phiếu/phiên (tăng 6,52%), giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 717 tỷ đồng/phiên (tăng 11,38%). Trong đó, phiên giao dịch ngày 17/10/2024 ghi nhận mức khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch cao nhất tháng, tương ứng với 122,8 triệu cổ phiếu và 1.949 tỷ đồng.
Thị trường UPCoM trong tháng 10 đón nhận thêm 04 doanh nghiệp đăng ký giao dịch mới và có 04 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch. Trong đó, 02 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch để niêm yết cổ phiếu tại HOSE, HNX và 02 doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại do hợp nhất doanh nghiệp.
Số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, tại thời điểm cuối tháng 10/2024, thị trường UPCoM có 880 doanh nghiệp, giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 460 nghìn tỷ đồng. Giá trị vốn hóa thị trường tại ngày 31/10/2024 đạt hơn 1.464 nghìn tỷ đồng, tăng 2,17% so với tháng trước.
Khối ngoại tăng mua
Điểm sáng của thị trường UPCoM trong tháng 10 là động thái tăng mua của khối ngoại. Thống kê của HNX cho thấy, giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng hơn 113,78% so với tháng trước, với giá trị bán ròng hơn 254 tỷ đồng, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 568 tỷ đồng và bán ra 822 tỷ đồng.
Cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất là QNS của Công ty cổ phần (CTCP) Đường Quảng Ngãi với khối lượng giao dịch hơn 2,9 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ trọng 25,14%), tiếp sau đó là ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP với khối lượng giao dịch hơn 2,1 triệu cổ phiếu (đạt tỷ trọng 18,93%).
Ở chiều bán, cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều nhất là mã chứng khoán SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương với khối lượng giao dịch hơn 12 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 35,52% và tiếp theo đó là mã chứng khoán BSR với khối lượng bán ra hơn 4,1 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ trọng đạt 12,66%.
Top 5 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất và tăng giá mạnh nhất
Về thanh khoản của thị trường, cổ phiếu BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn tiếp tục được giao dịch nhiều nhất trên UPCoM, mặc dù khối lượng giao dịch giảm nhẹ (2,16%), đạt hơn 127,3 triệu cổ phiếu, song vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường với 11,84%.
Cổ phiếu MSR của CTCP Masan High-Tech Materials đứng thứ hai với khối lượng giao dịch tăng 1.434,54%, đạt hơn 100,5 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 9,56%. Cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai xếp vị trí thứ ba với tỷ trọng 6,97% tương ứng khối lượng giao dịch đạt 73,3 triệu cổ phiếu.
Về giá giao dịch, tăng giá mạnh nhất trong tháng 10 là mã chứng khoán SII của CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn với giá đóng cửa 23.000 đồng, tăng 125,49% so với tháng trước. Cổ phiếu IN4 của CTCP In Số 4 cũng tạo được ấn tượng khi đóng cửa với giá đạt 19.900 đồng, tăng 84,68%.
Ngoài ra, trong nhóm tăng giá mạnh nhất còn có C22 của CTCP 22, LIC của Tổng Công ty LICOGI - CTCP, HES của CTCP Dịch vụ Giải trí Hà Nội.
Theo HNX, giao dịch tự doanh cổ phiếu UPCoM của khối các công ty chứng khoán giảm nhẹ trong tháng 10 với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 682,68 tỷ đồng, giảm 12,48% so với tháng 9/2024, trong đó mua vào 598,42 tỷ đồng và bán ra 84,25 tỷ đồng.