Giá vàng hôm nay 3/6/2023: Giá vàng liên tục đi lên, xu hướng phi USD gia tăng, kim loại quý được 'trọng dụng'
Giá vàng hôm nay 3/6/2023 tiếp tục tăng khi nhiều người tin rằng, Fed sẽ tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ tại cuộc họp sắp tới. Tờ Business Insider cho hay, phần lớn ngân hàng trung ương trên thế giới hiện nay coi vàng là tài sản dự trữ nổi bật hơn, cho thấy xu hướng phi USD hóa sẽ tiếp tục trong những năm tới.
BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 3/6 và TỶ GIÁ HÔM NAY 3/6
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 3/6/2023
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng khi nhiều người tin rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ tại cuộc họp sắp tới.
Tạp chí Phố Wall đưa tin, Fed có khả năng tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6, trước khi tăng lãi suất trở lại vào cuối mùa Hè này. Đó là một sự thay đổi so với kỳ vọng gần đây rằng Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tháng 6/2023.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 76,2% Fed sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 13-14/6 - theo dữ liệu từ FedWatch Tool của CME Group.
Đáng chú ý, Thượng viện đã thông qua dự luật nâng trần nợ công với số phiếu 63-36 trong một cuộc chạy đua với thời gian sau nhiều tháng bất đồng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Dự luật về trần nợ giờ đây sẽ được chuyển cho Tổng thống Joe Biden ký phê chuẩn thành luật trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn chót ngày 5/6 như cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ để các bên đạt được thỏa thuận nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD trước khi ngân sách liên bang cạn kiệt.
Dự luật này đã loại bỏ nguy cơ vỡ nợ của chính phủ Mỹ.
Ghi nhận của TG&VN, đến 19h ngày 2/6, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.978,6 - 1.979,6 USD/ounce, tăng 1,2 USD.
Tại thị trường châu Á, giá kim loại quý hướng đến mức tăng/tuần lớn nhất trong gần hai tháng. Giá vàng giao ngay giữ ở mức 1.977,31 USD/ounce. Từ đầu tuần đến nay, giá kim loại quý này đã tăng 1,6%, hướng tới tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 7/4.
Giá vàng trong nước tăng nhẹ theo chiều thế giới. Kết phiên ngày 2/6,công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội ở mức 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra)
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 2/6:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,40 – 67,00 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,50 – 67,05 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,47 – 67,03 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,52 – 56,42 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 55,15 – 56,25 triệu đồng/lượng.
Vàng là tài sản dự trữ nổi bật hơn USD
Giá vàng thế giới đang ở mức cao nhất trong hơn 1 tuần trở lại đây, với chất xúc tác cho sự tăng giá này là đồng USD.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm mạnh khỏi vùng cao nhất trong 2 tháng, mở đường cho vàng tăng giá. Sáng 2/6 (giờ Việt Nam), chỉ số này dao động quanh ngưỡng 103,5 điểm, từ mức 104,2 điểm vào sáng hôm qua.
Cùng với đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần, hỗ trợ thêm cho giá vàng.
Nhà phân tích Edward Meir tại nền tảng dịch vụ tài chính toàn cầu Marex, có trụ sở tại Anh cho rằng, tâm lý trên thị trường vàng hiện tại vẫn khả quan và giá có thể tăng cao hơn một chút giữa đồn đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp trong tháng này.
Tờ Business Insider cho hay, phần lớn ngân hàng trung ương trên thế giới hiện nay coi vàng là tài sản dự trữ nổi bật hơn, cho thấy xu hướng phi USD hóa sẽ tiếp tục trong những năm tới.
Theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), 62% ngân hàng được hỏi kỳ vọng vàng sẽ chiếm tỉ trọng lớn hơn trong tổng dự trữ trong 5 năm tới, so với mức 46% của năm ngoái.
WGC cho hay: "Lý do để tăng dự trữ vàng không có gì ngạc nhiên, bởi lãi suất, mối lo ngại về lạm phát và rủi ro địa chính trị tiếp tục là những yếu tố hàng đầu trong các quyết định quản lý dự trữ của các ngân hàng trung ương".
Các ngân hàng trung ương đã ráo riết mua vàng, đặc biệt là sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào năm ngoái, dẫn đến việc phương Tây đóng băng ngoại tệ của Nga. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến nhiều quốc gia có kế hoạch giảm bớt nắm giữ đồng USD trong nền kinh tế và vàng nổi lên như một giải pháp thay thế hàng đầu.
Xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm nay, khi quý I/2023 chứng kiến lượng mua vàng của ngân hàng trung ương tăng 176% so với một năm trước.