Giá vàng thế giới và trong nước cùng lao dốc khi căng thẳng Nga-Ukraine hạ nhiệt
Giá vàng thế giới giảm mạnh khi căng thẳng địa chính trị ở biên giới giữa Nga và Ukraine giảm xuống, kéo giá vàng miếng trong nước sáng nay (16/2) tuột khỏi mốc 63 triệu đồng/lượng...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Giá USD tự do giảm trong khi giá USD ngân hàng vẫn tăng.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 62,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 62,88 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 320.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,45 triệu đồng/lượng và 54,15 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 62,25 triệu đồng/lượng và 62,95 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ sáng nay cao hơn 11,8 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 11,6 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.852,6 USD/oz, giảm 2,5 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ. Mức giá này tương đương 51,1 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan. So với sáng qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm 500.000 đồng/lượng.
Trong phiên New York ngày thứ ba, giá vàng giao ngay giảm 17,2 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,9%, còn 1.855,1 USD/oz.
Giá vàng tụt khỏi đỉnh của 3 tháng do nhu cầu phòng ngừa rủi ro suy giảm khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine dịu đi.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã bắt đầu rút bớt binh sỹ về căn cứ sau các cuộc diễn tập gần biên giới Ukraine. Thông tin này làm giảm bớt căng thẳng địa chính trị - nhân tố khiến thị trường tài chính toàn cầu “như ngồi trên đống lửa” từ cuối tuần trước đến nay.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói rằng các binh sỹ gần đây được điều chuyển tới các quận miền Nam và miền Tây của Nga, nơi có chung đường biên giới với Ukraine, đã hoàn thành công tác diễn tập và “đã bắt đầu lên tàu và trên đường trở về doanh trại ngày hôm nay”.
“Do căng thẳng Nga-Ukraine dịu đi, những tài sản an toàn như vàng cũng mất giá”, giám đốc giao dịch kim loại quý David Meger của High Ridge Futures phát biểu.
Giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa lạm phát. Số liệu công bố ngày thứ Ba cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Mỹ tăng 1% trong tháng 1 so với tháng trước, vượt xa mức dự báo tăng 0,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số tăng 9,7%.
Tuy nhiên, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay thắt chặt để chống lạm phát lại gây áp lực giảm lên giá vàng. Thị trường vẫn đang lo về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất liên tiếp trong năm nay, với đợt tăng đầu tiên vào tháng 3 có thể có bước nhảy 0,5 điểm phần trăm.
Ngày thứ Tư, thị trường sẽ đón nhận biên bản cuộc họp tháng 1 của Fed, từ đó sẽ có cái nhìn rõ hơn về lập trường của từng thành viên Ủy ban Thị trường mở (FOMC) – bộ phận quyết định chính sách trong Fed.
“Nếu biên bản cho thấy Fed tin rằng họ đang chậm so với lạm phát, thì nhà đầu tư sẽ lo lắng hơn nữa. Họ sẽ nghĩ đến việc Fed thắt chặt mạnh tay hơn nữa”, chiến lược gia Michael Arone của State Street Global Advisors phát biểu.
Đồng USD cũng giảm giá trong phiên ngày thứ Ba, với chỉ số Dollar Index hiện còn hơn 96 điểm, từ mức 96,2 điểm vào sáng qua.
Trong nước, giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.510 đồng (mua vào) và 23.560 đồng (bán ra), giảm tương ứng 10 đồng và 20 đồng so với sáng qua.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.600 đồng và 22.880 đồng, tăng 10 đồng ở cả hai đầu giá.