Gia Viễn, phát huy hiệu quả các ứng dụng số thông minh để quảng bá du lịch

Phát huy hiệu quả các ứng dụng số thông minh, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các nhà hàng, homestay trên địa bàn huyện Gia Viễn đã nhanh chóng thích ứng với hoạt động chuyển đổi số để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch trên môi trường điện tử.

Mã QR giới thiệu thông tin về du lịch sinh thái Vân Long đặt cạnh bến thuyền, thuận tiện cho du khách truy cập, tìm hiểu.

Mã QR giới thiệu thông tin về du lịch sinh thái Vân Long đặt cạnh bến thuyền, thuận tiện cho du khách truy cập, tìm hiểu.

Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2019, HTX Dịch vụ du lịch sinh thái Vân Long (xã Gia Vân) đã biết ứng dụng công nghệ số từ sớm trong vận hành hoạt động cũng như quảng bá du lịch.

Ông Trần Xuân Quang, Giám đốc HTX cho biết: Ngay sau khi thành lập, trải qua hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, trong khoảng thời gian tạm dừng mọi hoạt động, HTX xác định phải đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá về du lịch sinh thái Vân Long trên các nền tảng mạng xã hội để các thông tin về điểm du lịch của địa phương vẫn luôn thu hút sự quan tâm, chú ý của du khách.

Hưởng ứng phát động của Chính phủ, UBND tỉnh và ngành du lịch về đẩy mạnh chuyển đổi số, HTX đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin ở nhiều lĩnh vực: gắn mã QR giới thiệu thông tin về du lịch sinh thái Vân Long ở ngay cạnh bến thuyền; tận dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử địa phương để đưa các tin, bài, hình ảnh tuyên truyền về Vân Long; đẩy mạnh chương trình phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, người nổi tiếng là các nghệ sĩ, tiktoker để quảng bá du lịch; áp dụng mã QR trong thanh toán…

Từ năm 2022, HTX đã triển khai phần mềm bán vé điện tử, tạo thuận lợi trong công tác quản lý của đơn vị cũng như cơ quan quản lý thuế. Nhiều công ty lữ hành, du lịch đã đặt vé điện tử, thuận lợi trong việc phục vụ các đoàn khách một cách nhanh chóng, chính xác.

Các thông tin về khu du lịch được tăng cường trên các nền tảng số. Do đó, việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của HTX dịch vụ du lịch sinh thái Vân Long thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng về số lượng khách đến tham quan, du lịch. 6 tháng đầu năm 2024, HTX đã đón trên 30.000 khách đến tham quan; dự kiến năm 2024 sẽ đón trên 70.000 khách, tăng khoảng 2.000-3.000 khách so với năm 2023.

Hoạt động từ năm 2018, homestay Vân Long Family (thôn Mai Trung, xã Gia Vân) chỉ với 5 phòng nghỉ nhỏ xinh nhưng thường xuyên kín khách là thành công của cô chủ Nguyễn Tư Dạ Ngân khi sớm tiếp cận công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu về cơ sở lưu trú của mình trên các nền tảng mạn xã hội.

Dạ Ngân, chủ homestay cho biết: Kinh doanh dịch vụ lưu trú ở địa phương có tiềm năng về du lịch như Gia Vân là thuận lợi lớn nhưng cũng là áp lực lớn khi người làm dịch vụ phải "đi tắt, đón đầu" xu hướng quảng bá để tạo ấn tượng với du khách trong nước, quốc tế trên các nền tảng mạng xã hội. Không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, biết cách sử dụng các phần mềm để sáng tạo nội dung đưa lên các nền tảng mạng xã hội là cách để homestay tiếp cận khách hàng của mình.

Không chỉ quảng bá homestay qua các kênh Facebook, Zalo, cơ sở đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các kênh trực tuyến nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch như: Agoda, Traveloka, Booking.com… để bán phòng nghỉ.

Với cách làm này, đã có khoảng 40% khách du lịch đặt phòng qua các kênh trực tuyến. Đặc biệt, những thời điểm vắng khách, các kênh trực tuyến với chính sách giảm giá đã hỗ trợ cho homestay bán được phòng với mức giá giảm so với nguyên giá để thu hút khách.

Du khách nước ngoài trải nghiệm làm chả đa nem tại homestay Vân Long Family.

Du khách nước ngoài trải nghiệm làm chả đa nem tại homestay Vân Long Family.

Bên cạnh đó, vì phục vụ trong lĩnh vực du lịch nên homestay rất quan tâm đến những đánh giá của du khách sau thời gian lưu trú. Bởi những công ty lữ hành, du lịch hay khách du lịch khi tìm hiểu về điểm đến, cơ sở lưu trú, ăn uống… đều quan tâm đến những đánh giá của những người đã trải nghiệm trước.

Do đó, khi đón tiếp và phục vụ khách, homestay đều quan tâm đề nghị khách cho những đánh giá. Hiện trên các trang trực tuyến về du lịch, homestay Vân Long Family đang nhận được nhiều đánh giá 5/5 hay 9.4/9.5…

Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn huyện Gia Viễn đang diễn ra mạnh mẽ ở các lĩnh vực. Trong đó, phát triển kinh tế số, huyện Gia Viễn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nền tảng số để ứng dụng vào sản xuất, hướng dẫn các doanh nghiệp có hướng chuyển đổi số nhằm tiết kiệm nhân công, tăng sản lượng đầu ra...

Huyện đã phối hợp với các đơn vị viễn thông đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các khu dân cư, địa điểm du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện; tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet.

Khuyến khích các doanh nghiệp triển khai nền tảng thanh toán điện tử, ví điện tử; hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ hợp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử như "PostMart", "Voso"...

Qua đó đã dần thay đổi nhận thức cho các doanh nghiệp, tổ hợp, hộ sản xuất, kinh doanh về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu.

Huyện Gia Viễn có 2 khu du lịch trọng điểm là Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính ở xã Gia Sinh và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long ở xã Gia Vân cùng nhiều khu du lịch đang được đầu tư, nâng cấp nhằm thu hút khách du lịch như: Suối khoáng nóng Kênh Gà ở xã Gia Thịnh; đền Thánh Nguyễn tại 2 xã Gia Thắng và Gia Tiến; chùa Địch Lộng ở xã Gia Thanh… Với tiềm năng này, Gia Viễn xác định: chuyển đổi số - tận dụng các ứng dụng số được xác định là đòn bẩy để thúc đẩy hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch địa phương, từng bước thu hút ngày càng nhiều khách du lịch về với địa phương.

Trong năm 2023, toàn huyện đón khoảng 1,65 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt gần 1,4 nghìn tỷ đồng. Năm 2024, huyện Gia Viễn phấn đấu đón 2,65 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch.

Bài, ảnh: Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gia-vien-phat-huy-hieu-qua-cac-ung-dung-so-thong-minh-de/d20241002164347279.htm