Giá xăng giảm hơn 1.000 đồng từ ngày 12/9
Chiều nay 12/9, mỗi lít xăng giảm 800 đồng, dầu diesel giảm 1.000 đồng nếu nhà điều hành không trích lập Quỹ Bình ổn giá.
Do kỳ điều hành ngày 11/9 trùng vào chủ nhật nên thời gian điều hành được liên Bộ Tài chính - Công Thương lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, tức 15h ngày hôm nay (12/9).
Cũng theo dữ liệu cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy tính đến ngày 8/9, giá xăng A95 tại thị trường Singapore ở mức 98,8 USD/thùng, xăng A92 ở mức 94,1 USD/thùng, dầu diesel ở mức 130,8 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn khoảng 5 USD/thùng so với ngày 2/9.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 105,4 USD/thùng xăng RON 92; 108,86 USD/thùng xăng RON 95 và 143,02 USD/thùng dầu diesel.
Dù nhích tăng nhưng giá dầu thế giới vẫn giảm khá mạnh so với đầu tuần. Theo các nhà phân tích, giá dầu thế giới xuống thấp khi dữ liệu từ hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều có dấu hiệu suy yếu, dẫn đến mối lo nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm.
Trước diễn biến đi xuống của giá xăng dầu thế giới, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.HCM cho biết kỳ điều hành ngày hôm nay, giá hai mặt hàng xăng sẽ giảm khoảng 750-1.000 đồng/lít, trong đó xăng E5 RON 92 sẽ giảm mạnh hơn; còn dầu giảm quanh mức 1.200 đồng/lít.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết hiện giá dầu thô đang dao động quanh ngưỡng 83-89 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu năm.
"Do đó, dự kiến giá xăng dầu trong nước sẽ giảm khoảng 1.000 đồng/lít, đưa giá xăng về mức hơn 22.000 đồng/lít", người này cho hay.
Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 giảm 1.020 đồng, về mức 23.210 đồng/lít và E5 RON 92 là 22.230 đồng/lít, giảm 1.120 đồng/lít.
Dầu diesel giảm 1.000 đồng một lít, về mức 24.180 đồng/lít. Mỗi lít dầu hỏa cũng giảm 1.030 đồng, về mức 24.410 đồng/lít. Dầu mazut giảm 1.040 đồng/kg, chỉ còn 15.030 đồng. Như vậy, sau phiên điều chỉnh này, giá xăng vẫn rẻ hơn giá dầu.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần giảm thứ 2 liên tiếp và dầu quay đầu giảm sau 2 lần tăng. Tính đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 23 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 9 lần giảm, một lần giữ nguyên.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 5/9, Petrolimex dương 802 tỷ đồng, PVOil âm 821 tỷ đồng, Saigon Petro 242,8 tỷ đồng, Petimex là 292 tỷ đồng...
Về thị trường dầu thế giới, theo dữ liệu của Trading Economics ngày 11/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent (chuẩn toàn cầu) đã phục hồi lên hơn 92 USD/thùng, tuy nhiên đây vẫn là mức thấp nhất trong hơn 6 tháng.
Tương tự, giá dầu WTI (chuẩn Mỹ) cũng phục hồi từ 83 USD/thùng lên hơn 86 USD/thùng, ghi nhận vẫn ở mức thấp nhất kể từ ngày 26/1. Qua chia sẻ, các chuyên gia quốc tế nhận định triển vọng u ám của những nền kinh tế lớn vẫn đang tạo sức ép lớn lên thị trường dầu.
Thuế, phí vẫn chiếm 35% giá thành mỗi lít xăng
Theo ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỉ trọng thuế, các chi phí đang chiếm khoảng 35% giá thành mỗi lít xăng.
Ông Tuấn Anh dự báo giá dầu thế giới thời gian tới sẽ duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Điều này cũng tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Theo tính toán, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100 - 125 USD/thùng thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40 - 75%.
Do đó, để kiểm soát lạm phát và đưa nền kinh tế tăng trưởng vẫn cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu. Đồng thời cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu đến hết năm 2022 và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.