Giấc mơ 10 năm chưa thành hiện thực của Jeff Bezos

Khi Amazon ra mắt trợ lý giọng nói Alexa, tầm nhìn của họ là tạo ra một 'máy tính biết nói' có thể làm mọi thứ. Sau một thập kỷ, công ty vẫn đang nỗ lực biến điều đó thành hiện thực.

Ngày 6/11/2014, Amazon chính thức công bố Alexa, trợ lý giọng nói kỹ thuật số được sáng lập và phát triển từ niềm đam mê của nhà sáng lập Jeff Bezos. Lấy cảm hứng từ chiếc "máy tính" trên tàu Enterprise trong bộ phim Star Trek, Bezos mơ đến một trợ lý AI với khả năng thông hiểu và có mặt khắp nơi, thực hiện mọi yêu cầu chỉ bằng giọng nói.

“Giấc mơ từ thuở đầu của khoa học viễn tưởng là có được một máy tính có thể trò chuyện tự nhiên và thực hiện các nhiệm vụ mà ta yêu cầu. Và điều đó đang trở thành hiện thực”, Jeff Bezos nói.

Tham vọng “trợ lý siêu việt”

Vào thời điểm đó, tương lai này nghe có vẻ rất gần. Trong những tháng đầu ra mắt, Alexa nhanh chóng làm hài lòng những khách hàng đầu tiên nhờ các chức năng phát nhạc, xem thời tiết và hẹn giờ. Tất cả chỉ cần sử dụng giọng nói.

 Chiếc loa Echo tích hợp Alexa phát hành từ năm 2015, vẫn hoạt động tốt sau 9 năm. Ảnh: Jennifer Pattison Tuohy.

Chiếc loa Echo tích hợp Alexa phát hành từ năm 2015, vẫn hoạt động tốt sau 9 năm. Ảnh: Jennifer Pattison Tuohy.

Được tích hợp trong loa Echo có hình dạng giống lon khoai tây Pringles, Alexa đã tiến vào 5 triệu ngôi nhà chỉ sau 2 năm. Đến nay, Alexa đã có mặt trong hơn 40 triệu loa Echo tại Mỹ, xử lý hàng tỷ lệnh mỗi tuần trên toàn cầu.

Dù có lượng sản phẩm đa dạng và phổ biến, Amazon vẫn chưa biến Alexa thành “trợ lý siêu việt luôn bên bạn” như đã hứa.

Trợ lý giọng nói này chủ yếu vẫn thực hiện các tác vụ đơn giản như chơi nhạc, báo thời tiết và đặt hẹn giờ. “Chúng tôi lo lắng vì đã tuyển 10.000 người và cuối cùng lại tạo ra một công cụ hẹn giờ thông minh”, một cựu nhân viên Amazon chia sẻ với The Verge.

Theo The Verge, từ khi ra mắt, Alexa đã mang đến sự tiện lợi cho nhiều ngôi nhà, đặc biệt là trong việc hỗ trợ những người khuyết tật và người cao tuổi. Nhưng về cơ bản, Alexa vẫn là một thiết bị điều khiển từ xa bằng giọng nói.

Khả năng hoạt động như một chiếc máy tính thông minh trong nhà, quản lý mọi thứ như cách thuyền trưởng Picard điều khiển con tàu Enterprise của Star Trek, vẫn là một hy vọng chưa thành hiện thực.

Alexa giậm chân tại chỗ

Alexa ra đời trong bối cảnh các trợ lý ảo còn bị giới hạn. Thay vì bị mắc kẹt trong chiếc điện thoại như Siri của Apple hay nằm trong máy tính như Cortana của Microsoft, Alexa đã bước vào Echo, chiếc loa kích hoạt bằng giọng nói đầu tiên trên thế giới.

Với 7 micro thu âm, hệ thống nhận diện giọng nói tầm xa của Alexa đã mang đến một trải nghiệm kỳ diệu. Người dùng có thể hét lên từ mọi góc trong phòng và vòng sáng màu xanh của Alexa sẽ bật lên, sẵn sàng nhận lệnh.

Không lâu sau đó, Amazon đã mở rộng khả năng của Alexa từ việc chỉ kể chuyện cười hay hẹn giờ nấu ăn sang điều khiển nhà thông minh. Ra mắt API dành cho nhà thông minh vào năm 2016 và Echo Plus với công nghệ Zigbee vào năm 2017, Alexa giúp người dùng điều khiển đèn, điều hòa và nhiều thiết bị khác trong nhà.

 Cựu giám đốc thiết bị và dịch vụ của Amazon Dave Limp đã giới thiệu một Alexa “mới" mang tính trò chuyện nhiều hơn. Nhưng đến hiện tại, nó vẫn chưa đến. Ảnh: David Pierce/The Verge.

Cựu giám đốc thiết bị và dịch vụ của Amazon Dave Limp đã giới thiệu một Alexa “mới" mang tính trò chuyện nhiều hơn. Nhưng đến hiện tại, nó vẫn chưa đến. Ảnh: David Pierce/The Verge.

Cảm giác yêu cầu Alexa tắt đèn hay tăng nhiệt độ điều hòa mà không cần rời giường khiến nhiều người ngỡ như đang sống trong tương lai, The Verge nhận định.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này lại khiến hệ sinh thái xung quanh Alexa trở nên quá tải. Hàng nghìn tính năng được tạo ra bởi các nhà phát triển bên thứ 3 mà Amazon không thể kiểm soát hết. Trong đó, nhiều tính năng kém chất lượng và khó sử dụng đã làm giảm trải nghiệm người dùng.

Thay vì phát triển cốt lõi công nghệ, Amazon lại tập trung vào việc đưa Alexa vào nhiều thiết bị hơn, khiến người dùng phải tự học cách nói với Alexa thay vì Alexa tự hiểu cách giao tiếp với người dùng, The Verge nhận định. Một số thiết bị như Echo Loop, Echo Buds hay Echo Auto dần rơi vào quên lãng, vì chúng không đem lại nhiều cải tiến cho trợ lý giọng nói.

Cuộc đua trợ lý ảo giữa Amazon, Google và Apple

Với Alexa, người dùng phải học cách nói theo một khuôn mẫu nhất định thay vì Alexa học cách hiểu họ. Đơn cử như người dùng Alexa phải nhớ các câu lệnh cụ thể "Alexa, hãy yêu cầu Moen cấp 2 cốc nước nóng”, thay vì một câu đơn giản “Cho tôi 2 cốc nước nóng”.

Theo Wall Street Journal, Amazon đã lỗ hàng chục tỷ USD cho mảng thiết bị. Trong khi đó, Alexa vẫn không có bước tiến lớn nào khi xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Kể từ khi xuất hiện vào năm 2017, Echo Show, thiết bị Echo có màn hình, cũng không đạt được kỳ vọng của người dùng do vi xử lý chậm, màn hình kém nhạy và chứa quá nhiều quảng cáo.

Theo The Verge, để Alexa trở thành chiếc máy tính như trong Star Trek, nó cần ngữ cảnh. Một trợ lý giọng nói toàn diện cần biết tất cả về bạn, ngôi nhà của bạn và các thiết bị bên trong. Alexa cần được tích hợp thêm cảm biến và các thiết bị khác có thể cung cấp ngữ cảnh, nhưng Amazon lại thiếu nguồn dữ liệu cá nhân so với Google và Apple.

 Các mẫu loa Echo của Amazon được trưng bày tại Seattle Space Needle. Ảnh: Daniel Berman/Bloomberg.

Các mẫu loa Echo của Amazon được trưng bày tại Seattle Space Needle. Ảnh: Daniel Berman/Bloomberg.

Dù 2 ông lớn này chưa thật sự thành công trong việc phát triển trợ lý ảo cho nhà thông minh, Alexa cũng dần mất lợi thế khả năng nhận thức bối cảnh yếu kém. Nếu Google và Apple sở hữu nhiều thông tin về người dùng qua điện thoại, lịch và hoạt động tìm kiếm, Amazon lại bị giới hạn truy cập vào dữ liệu cá nhân. Những vi phạm về quyền riêng tư càng khiến người dùng e ngại khi cho phép Alexa truy cập vào các hoạt động trong cuộc sống của họ.

Để giải quyết, Amazon đã phát triển tính năng Alexa Routines, cho phép lập trình các lệnh liên tục để thực hiện một chuỗi hành động.

Theo hãng, Alexa “phiên bản mới” có thể hoàn thành các chuỗi nhiệm vụ phức tạp dựa trên ngữ cảnh như: “Alexa, nhắc con tôi không quên làm bài tập, bật báo động khi con ra khỏi nhà, mở khóa cửa sau cho thợ sửa ống nước lúc 4 giờ chiều và khóa lại lúc 5 giờ, bật lò nướng vào lúc 6 giờ tối, nhưng nếu tôi về muộn, thì điều chỉnh thời gian lại”.

Từ năm 2014, Amazon đã đặt nền tảng cho việc điều khiển bằng giọng nói tại nhà và suốt một thập kỷ qua đã xây dựng nền móng cho một ngôi nhà thông minh hơn. Ngày nay, Alexa là trợ lý giọng nói phổ biến nhất trong loa thông minh tại Mỹ, chiếm hơn 2/3 thị phần. Tuy nhiên, Google và Apple đang đầu tư mạnh vào nhà thông minh và sẽ sớm đưa Apple Intelligence hay Gemini vào các thiết bị gia đình.

Khi đó, chuỗi ngày thống trị của Alexa có thể sẽ phải chấm dứt, The Verge nhận định.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/sau-10-nam-alexa-dang-o-dau-trong-giac-mo-cua-jeff-bezos-post1507812.html