Giấc mơ lớn hơn hậu World Cup

Các quốc gia Arab Vùng Vịnh chắc chắn đủ tiềm lực kinh tế để tổ chức các kỳ World Cup hay Olympic, biến khu vực này thành 'thánh địa thể thao' trong tương lai.

Khi Qatar chuẩn bị ăn mừng với sự thành công của kỳ World Cup lần đầu tiên đăng cai, một loạt sự kiện thể thao lớn khác dường như sẵn sàng “hạ cánh” xuống Vùng Vịnh giàu có và đầy tham vọng.

Trong những tháng gần đây, Arab Saudi được đồn đoán sẽ tranh cử đăng cai cả World Cup và Thế vận hội Olympic. Quốc gia này đang theo sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar trong việc bơm tiền vào các giải đấu danh giá và thâu tóm những tên tuổi hàng đầu từ bóng đá châu Âu, theo SCMP.

Việc tổ chức những sự kiện như vậy chắc chắn sẽ giúp các quốc gia nâng cao danh tiếng và thể hiện quyền lực mềm. Ngoài ra, nền kinh tế của Vùng Vịnh được đa dạng hóa, thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu năng lượng.

Các sự kiện thể thao hàng đầu thế giới cũng tạo cơ hội việc làm và giải trí cho công dân Arab, đồng thời khuyến khích họ tham gia hoạt động thể thao.

Một tỷ lệ lớn dân số ở cả ba quốc gia Vùng Vịnh đều không sở hữu quốc tịch nước sở tại. Họ chủ yếu là người lao động nhập cư và người nước ngoài, dao động từ 30% tại Arab Saudi đến 90% tại Qatar và UAE.

“Khi các quốc gia Vùng Vịnh tìm kiếm con đường đầu tư nước ngoài mới, bóng đá châu Âu trở thành một điểm đến ưa thích. Các khoản đầu tư nhằm tăng cường quan hệ với nước ngoài và giúp các quốc gia Vùng Vịnh chuẩn bị cho thế giới hậu dầu mỏ”, Hezha Barzani, nhà nghiên cứu Trung Đông tại Atlantic Council, nói.

 Những linh vật World Cup được trình diễn tại lễ khai mạc World Cup năm 2022. Ảnh: Reuters.

Những linh vật World Cup được trình diễn tại lễ khai mạc World Cup năm 2022. Ảnh: Reuters.

Giấc mơ Olympic

Tháng 10, Arab Saudi đã được Hội đồng Olympic châu Á chọn làm chủ nhà của Đại hội Thể thao Mùa đông châu Á (Asian Winter Games) năm 2029 và Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) năm 2034. Đại hội năm 2029 sẽ diễn ra tại tại khu nghỉ dưỡng trên núi được quy hoạch trong dự án “siêu thành phố” NEOM trị giá 500 tỷ USD.

Ngày 5/12, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới được đồn đoán sẽ chủ trì giải bóng đá AFC Asian Cup 2027 sau khi Ấn Độ rút lại quyền ứng cử đăng cai, theo Reuters.

Bộ trưởng Thể thao Arab Saudi Abdulaziz bin Turki Al Faisal al-Saud hồi tháng 8 đã hào hứng nói với các phóng viên rằng việc tổ chức Olympic “sẽ là mục tiêu cuối cùng” đối với quốc gia này, có lẽ sớm nhất là vào năm 2036.

Vị hoàng tử khẳng định Arab Saudi “sẵn sàng thảo luận” với Ủy ban Olympic Quốc tế.

“Tôi nghĩ Arab Saudi đã cho thấy rằng chúng tôi có thể tổ chức các sự kiện như vậy”, ông nói.

Không lâu sau đó, Bộ trưởng Du lịch Arab Saudi Ahmed al-Khateeb nói với tờ Bloomberg rằng đang “xem xét đồng tổ chức World Cup 2030 cùng Hy Lạp và Ai Cập”. Đề xuất này sẽ đánh dấu lần đầu tiên một sự kiện thể thao toàn cầu được tổ chức đồng thời trên ba lục địa.

 Đội tuyển Arab Saudi vô địch giải AFC U23 Asian Cup. Ảnh: Al Arabiya.

Đội tuyển Arab Saudi vô địch giải AFC U23 Asian Cup. Ảnh: Al Arabiya.

“Chắc chắn ba quốc gia sẽ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và sẵn sàng. Tôi biết lúc đó Arab Saudi sẽ có các sân vận động hiện đại và khu vực dành cho cổ động viên”, ông al-Khateeb chia sẻ vào tháng trước.

Ngay sau đó, có nhiều tin đồn cho rằng Qatar đang tìm cách sử dụng World Cup năm nay làm bàn đạp để tự mình đăng cai Olympic năm 2036 sau khi thất bại trong cuộc đua năm 2016, 2020 và 2032.

Năm tới, Qatar sẽ tổ chức AFC Asian Cup lần thứ ba. Vào năm 2030, thủ đô Doha sẽ trở thành thành phố thứ tư hai lần tổ chức Asian Games. Năm 2019, thành phố này cũng chủ trì giải vô địch điền kinh thế giới.

Nhưng việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn có cái giá không hề rẻ đối với các quốc gia Trung Đông.

Qatar đã chi khoảng 6,5 tỷ USD để xây 7 sân vận động mới phục vụ World Cup 2022. Tuy nhiên, tổng số tiền chi cho tất cả các dự án cơ sở hạ tầng khác nhau đạt mức 200 tỷ USD. Nhiều dự án nằm trong chương trình đa dạng hóa kinh tế Qatar National Vision 2030.

Hai kỳ World Cup trước đó, Brazil và Nga chỉ phải bỏ ra khoảng 15 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng.

FIFA đã ghi nhận kỷ lục 2,45 triệu khán giả tham dự 48 trận đấu đầu tiên của World Cup 2022, chiếm 96% tổng số ghế có sẵn trong các sân vận động ở Qatar. Bốn năm trước tại Nga, con số đó là 2,17 triệu.

Đầu tư sinh lợi

Sự tập trung của Vùng Vịnh vào bóng đá có thể bắt nguồn từ các gia đình hoàng gia. Phó thủ tướng UAE Sheikh Mansour bin Zayed al-Nahyan đã mua lại Manchester City với giá 210 triệu bảng Anh.

Theo sau là Hoàng tử Arab Saudi Abdullah bin Musaid al-Saud nắm hoàn toàn Sheffield United vào năm 2019. Năm 2021, Quỹ đầu tư Công (PIF) của Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đã mua lại Newcastle United vào năm ngoái với giá 300 triệu bảng Anh.

Những khoản đầu tư này hứa hẹn sẽ sinh lời cho chủ sở hữu mới của các câu lạc bộ. Theo số liệu từ Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), thị trường bóng đá châu Âu đã tăng trưởng 65% trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018. KPMG cũng báo cáo rằng giá trị của 32 câu lạc bộ nổi bật nhất châu Âu đã tăng 9% chỉ trong năm 2019.

Các quốc gia Vùng Vịnh cũng mạnh tay chi tiền cho các huyền thoại bóng đá. Cựu đội trưởng tuyển Anh David Beckham là đại sứ thương hiệu cho World Cup của Qatar. Trong khi đó, Lionel Messi của Argentina được bổ nhiệm làm đại sứ du lịch của Arab Saudi hồi tháng 5.

 Người hâm mộ Newcastle ăn mừng sau khi CLB có chủ mới. Ảnh: AP.

Người hâm mộ Newcastle ăn mừng sau khi CLB có chủ mới. Ảnh: AP.

Trước khi bước vào thế kỷ XXI, hoàng gia Vùng Vịnh được biết đến nhiều hơn với việc chi đậm cho thuyền cao tốc và đua ngựa.

Năm 1986, Sheikh Ahmed bin Saeed al-Maktoum, nhà sáng lập Emirates Group của UAE, đã thành lập Victory Team. Trong nhiều thập kỷ, đội tuyển này đã giành được không dưới 15 chức vô địch giải đua thuyền cao tốc ngoài khơi.

Cháu trai của ông, Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum, đã thành lập Godolphin Racing, một trong những chuồng ngựa hàng đầu thế giới. Dubai của ông thường xuyên tổ chức 3 trong số 10 cuộc đua hàng đầu của môn thể thao này, bao gồm Dubai World Cup trị giá 12 triệu USD.

Peter Hellyer, một nhà sử học văn hóa người Anh và là cư dân UAE lâu năm, cho biết niềm đam mê thể thao của người Arab vùng Vịnh không nên bị đánh giá thấp.

Ông nhận định rằng “niềm đam mê của các cá nhân quyền lực” thường thúc đẩy sự quan tâm của người dân đối với các môn thể thao.

“Mong muốn về uy tín và sự quan tâm quốc tế rõ ràng là một yếu tố, nhưng cũng không nên bỏ qua thực tế có sự quan tâm thực sự đối với các môn thể thao, đặc biệt là bóng đá. Tôi không nghĩ các quốc gia và cá nhân đầu tư với suy nghĩ về việc kiếm lợi nhuận”, ông Hellyer nói.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giac-mo-lon-hon-hau-world-cup-post1383625.html