Giải bài toán dôi dư nhà văn hóa sau sáp nhập thôn, tổ dân phố

Việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố (TDP) trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn tồn tại những khó khăn, bất cập trong việc sử dụng nhà văn hóa (NVH) sau khi sáp nhập, gây ảnh hưởng đến việc sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.

Hội trường Nhà văn hóa tổ dân phố Hồ Xuân Hương, thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường mới được xây dựng, đảm bảo cho việc tổ chức các hội nghị có đông người tham gia. Ảnh: Kim Ly

Hội trường Nhà văn hóa tổ dân phố Hồ Xuân Hương, thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường mới được xây dựng, đảm bảo cho việc tổ chức các hội nghị có đông người tham gia. Ảnh: Kim Ly

Trước đây, trên địa bàn thị trấn Vĩnh Tường có 5 tổ dân phố (TDP). Năm 2019, TDP Cầu Quang và TDP Hồ Xuân Hương sáp nhập thành TDP Hồ Xuân Hương. Sau khi sáp nhập, nhân dân TDP Hồ Xuân Hương sử dụng đồng thời cả 2 NVH, trong đó, NVH TDP Hồ Xuân Hương (cũ) có hội trường rộng hơn được lựa chọn làm nơi tổ chức các hội nghị lớn. Hội trường NVH TDP Cầu Quang (cũ) có diện tích nhỏ hơn được sử dụng để tổ chức các hội nghị thường kỳ của các chi hội, đoàn thể trong thôn.

Do có khoảng cách xa nhau, 2 NVH được nhân dân khai thác, sử dụng theo cụm dân cư, là nơi hội họp, tập luyện thể dục-thể thao, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ… của nhân dân địa phương.

Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Tường Trần Tường cho biết: "Các NVH trên địa bàn thị trấn được khai thác hết công năng do được sắp xếp, bố trí, sử dụng một cách hợp lý theo hiện trạng của từng NVH. Trong đó, NVH TDP Hồ Xuân Hương được xây dựng với hội trường lớn, đảm bảo cho việc tổ chức các hội nghị có đông người tham dự".

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng “may mắn” có thiết chế NVH với hội trường đủ lớn để tổ chức các hội nghị lớn, tập trung đông người như TDP Hồ Xuân Hương.

Thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô được sáp nhập từ 2 thôn Hòa Bình và Dốc Đỏ, hội trường 2 NVH của thôn đều có diện tích nhỏ. Những dịp tổ chức các hội nghị lớn, hội trường không đủ chỗ ngồi cho đại biểu tới tham dự.

Trưởng thôn Hòa Bình Hà Thị Lương cho biết: "Hội trường NVH có sức chứa 130 chỗ ngồi, trong khi, các hội nghị lớn của thôn thường có ít nhất hơn 200 người đại diện cho 206 hộ dân trong thôn tham dự.

Thôn đã khắc phục bằng cách kê thêm bàn ghế ở ngoài hành lang, thuê loa đài khuếch đại âm thanh để người dân tham dự ngồi ngoài hành lang nghe rõ hơn. Tuy nhiên, việc tổ chức các hội nghị như vậy không đạt hiệu quả cao, Ban Tổ chức khó điều phối chương trình". Đây là những bất cập đang tồn tại ở nhiều thôn, TDP trên địa bàn huyện Sông Lô sau khi sáp nhập.

Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sông Lô Hoàng Ngọc Thanh cho biết: "Thực hiện Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh ngày 15/7/2019 về việc sáp nhập và đổi tên các thôn, TDP trên địa bàn tỉnh, huyện Sông Lô đã giảm 30 thôn, TDP.

Hiện nay, các thôn, TDP sau sáp nhập đều sử dụng 2 - 3 NVH, nhưng các NVH này đang bị xuống cấp, diện tích chật hẹp không đáp ứng được hoạt động sinh hoạt tập trung của người dân.

Trước thực trạng đó, UBND huyện đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT báo cáo, đề xuất UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó, có nội dung đề nghị tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng mới các NVH xã, thôn thiếu quy mô chỗ ngồi và trang thiết bị.

UBND huyện cũng gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để mở rộng diện tích trung tâm văn hóa xã, NVH, khu thể thao thôn và sửa chữa, cải tạo, xây mới đối với NVH thôn có diện tích nhỏ, đã xuống cấp nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao của nhân dân.

Trong khi chờ đợi tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí mở rộng diện tích, cải tạo, sửa chữa NVH, huyện Sông Lô chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xã hội hóa các nguồn lực để chỉnh trang, cải tạo, sửa chữa, mở rộng diện tích hội trường các NVH; đồng thời, dành nguồn ngân sách hỗ trợ các thôn thuê phông bạt, dựng rạp ngoài trời khi tổ chức các hoạt động đông người.

Đối với NVH thôn dôi dư sau sáp nhập mà cơ sở vật chất, trang thiết bị còn đảm bảo cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng thì giữ nguyên để phục vụ nhu cầu của nhân dân hoặc tổ chức thành phòng đọc sách, báo của thôn…

Các địa phương có thể xây dựng phương án xin chuyển đổi công năng và mục đích sử dụng NVH, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/79099/giai-bai-toan-doi-du-nha-van-hoa-sau-sap-nhap-thon-to-dan-pho.html