Giải bài toán nhân lực ngành game

Từ yêu cầu số lượng lớn nhân sự được đào tạo bài bản chuyên nghiệp, Việt Nam lần đầu tiên có tổ chức đào tạo chính quy về ngành game, tạo ra sự đột biến trong việc lựa chọn ngành học game.

Trong mắt nhiều nhiều người ở Việt Nam, ngành game thường bị định kiến là "không có tương lai" và "gây nghiện". Mặt tối trong ngành bị chú ý nhiều hơn những phần tươi sáng, tích cực.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) game là ngành công nghiệp không khói, phát triển xanh và bền vững, đem lại lợi nhuận lớn cho đất nước.

Game thu ngoại tệ, đồng thời cũng trở thành một ngành hiếm hoi có thể xuất khẩu nội dung số ra thế giới. Những người chơi chuyên nghiệp cũng có địa vị xã hội, đạt giải thưởng quốc tế, trở thành thần tượng.

Nội dung các trò chơi không chỉ để giải trí mà có thể đem lại hiệu quả giáo dục tốt về trí óc nếu không lạm dụng. Vì vậy, ông cho biết, hiện cơ quan nhà nước Việt Nam đã bổ sung nhiều quy định để hạn chế mặt trái của ngành này, đồng thời phát huy mặt tích cực.

Theo số liệu từ Newzoo, ngành game Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, với tổng doanh thu năm 2023 đạt khoảng 507 triệu USD với 54,6 triệu người chơi game. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Với sự gia tăng về số lượng game thủ và nhu cầu tiêu thụ game, việc chọn ngành học liên quan đến game đang trở thành một xu hướng nổi bật trong năm 2024. Tuy nhiên, phần lớn nhân sự trong ngành game đa phần xuất phát từ ngành học khác, thường là công nghệ thông tin rẽ sang.

Giải bài toán nhân lực ngành game - Ảnh: VH

Giải bài toán nhân lực ngành game - Ảnh: VH

Bà Vũ Thị Trang - CEO Gamota đánh giá: "Chúng ta đang có rất nhiều nguồn lực, nhưng thực tế đến hiện tại mới chỉ có khoảng 600 studio. Đây không phải một con số quá lớn, vì vậy cơ hội việc làm cho ngành game vẫn hấp dẫn".

Theo bà Trang, với vị thế Việt Nam trên thị trường game quốc tế, việc đào tạo bài bản và định hướng nhân sự phát triển ngành game là rất cần thiết.

Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho rằng: "Trước mắt, chúng ta phải xây dựng một nền tảng tốt, trong đó nền tảng đầu tiên của ngành game chính là đào tạo chính quy".

Theo định hướng này, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (PTIT) và Công ty cổ phần Appota đã hợp tác trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp game.

Cụ thể, Gamota - đơn vị trực thuộc Appota sẽ đồng hành cùng học viện trong các hoạt động dành cho sinh viên như: tiếp nhận sinh viên học viện đến tham quan, tham gia thực tập, cử chuyên gia tham gia tư vấn, đánh giá, xây dựng nội dung, giảng dạy các chương trình đào tạo game của học viện.

Đồng thời, Gamota sẽ bảo trợ truyền thông, phát hành và tư vấn cho các sản phẩm tiềm năng của sinh viên PTIT, cũng như trao những xuất học bổng tài năng, cơ hội thực tập tại công ty phát hành game hàng đầu Việt Nam.

Những báo cáo gần đây về xu hướng nghề nghiệp của các đơn vị tuyển dụng hàng đầu đều chỉ ra rằng làm game là một trong những ngành thu hút nguồn nhân lực lớn trong tương lai gần.

Lý giải cho sự yêu thích này tới từ môi trường làm việc sáng tạo và năng động rất phù hợp với thế hệ trẻ. Ngành game luôn đặt ra thách thức và yêu cầu sáng tạo cao, là nơi lý tưởng để các nhân viên phát triển nghệ thuật và kỹ thuật cá nhân.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/giai-bai-toan-nhan-luc-nganh-game-1722100033270.htm