Giải bài toán nội địa hóa cho ngành công nghiệp ô tô

Từ nhiều năm trở về trước, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, đề ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước và đặt ra mục tiêu nội địa hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, gồm các loại xe tải nhẹ, xe du lịch và linh kiện phụ tùng.

Theo đó ngay từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 175/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020, mục tiêu phát triển ngành trên cơ sở tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, kết hợp khai thác và từng bước nâng cao công nghệ và thiết bị, đáp ứng 40%-50% nhu cầu thị trường ô tô trong nước, hướng tới xuất khẩu ô-tô và phụ tùng. Chiến lược cũng đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% vào năm 2005, lên 60% vào năm 2010, trong đó riêng động cơ, phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa 50% và hộp số 90%.

Ngày 16/7/2014, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, nhận định đây là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn. Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng đạt hơn 466 nghìn chiếc, năm 2035 đạt hơn 1,5 triệu chiếc, tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78%.

Việt Nam hướng đến tỷ lệ nội địa hóa cao hơn đối với ngành công nghiệp ô tô

Việt Nam hướng đến tỷ lệ nội địa hóa cao hơn đối với ngành công nghiệp ô tô

Tuy nhiên, theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), cứ 10 ô tô được bán ra thị trường trong năm 2023, khoảng 7 chiếc được lắp ráp tại Việt Nam, nhưng trong mỗi xe này, chỉ khoảng 20% linh kiện được sản xuất nội địa, còn lại là nhập khẩu. Tỷ lệ này là thấp hơn rất nhiều với Thái Lan và Indonesia - hai quốc gia đi đầu về sản xuất ô tô tại khu vực Đông Nam Á, khi đã tự chủ được 90% linh kiện sản xuất được từ trong nước ở một số dòng xe.

Bộ Công Thương cũng từng thẳng thắn đánh giá, doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam hiện chỉ có thể sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, tỷ lệ về hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này còn thấp với những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Trong khi những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, doanh nghiệp nội địa chưa đáp ứng được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô cần rất nhiều đối tác để cung cấp hàng chục nghìn chi tiết, linh kiện. Có thể hiểu rằng, tỷ lệ nội địa hóa cao, càng có nhiều doanh nghiệp hỗ trợ, sản xuất trong nước càng phát triển, cùng thúc đẩy sự vươn lên của một ngành quan trọng, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, đóng góp nhiều vào ngân sách. Tỷ lệ nội địa hóa cao sẽ giúp cho giá thành, chi phí sản xuất của chiếc ô tô giảm, cạnh tranh hơn so với xe sản xuất ở nước khác chuyển về. Nội địa hóa cũng sẽ góp phần để người dân trong nước sở hữu một chiếc xe với giá thành hợp lý hơn. Như vậy, cần tăng tỷ lệ nội địa hóa với ô tô là điều mà nước ta cần hướng tới.

Với quyết tâm thúc đẩy ngành ô tô phát triển, Chính phủ trong những năm gần đây đã liên tục ban hành những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho sản xuất đối với ngành này như: Ưu đãi thuế nhập khẩu cho linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp và sản xuất trong nước…

Nhìn vào tiềm năng, Việt Nam dù có nền công nghiệp chưa đủ mạnh khi đem so với các nước láng giềng, nhưng thị trường nước ta vẫn có sức hút đối với các hãng xe với quy mô 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân bằng ô tô ngày càng cao.

Bên cạnh dư địa phát triển từ thị trường, hiện Việt Nam cũng sở hữu các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp nội địa đang có doanh số bán hàng đứng đầu như Thaco, VinFast. Các doanh nghiệp này được cho là sở hữu nhiều nhiều động lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hơn so với các hãng ngoại vốn đã có hệ sinh thái hoàn chỉnh từ trước khi đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, cũng không thể nhắc đến việc ngành công nghiệp ô tô Việt ngày một hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, các hãng xe sẵn sàng xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam chứ không đơn thuần nhập xe về bán như trước. Đơn cử như vào năm ngoái, TC Motor và Skoda Auto cũng đã có thỏa thuận hợp tác chiến lược. Hai hãng này có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe Skoda tại tỉnh Quảng Ninh - nơi đặt nhà máy của TC Motor ở mảng công nghiệp phụ trợ.

Hay gần đây, một doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực phân phối xe tại Việt Nam là Công ty cổ phần Tasco và Geely Auto Group đã chính thức ký kết Hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam. Hai doanh nghiệp cũng sẽ hợp tác để kêu gọi các nhà đầu tư khác để hoàn thiện chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng, thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực… tại Khu kinh tế Thái Bình.

Các thỏa thuận như trên sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Nhờ đó, ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ có cơ hội chuyển mình, phát triển và có cơ hội nội địa hóa mạnh mẽ hơn.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/giai-bai-toan-noi-dia-hoa-cho-nganh-cong-nghiep-o-to-157418.html