TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử
Bên cạnh đẩy mạnh rà soát, đối chiếu dữ liệu và kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro nhằm chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh còn đồng thời triển khai vận hành chức năng cảnh báo tự động xuất hóa đơn vượt ngưỡng rủi ro, để hỗ trợ người nộp thuế cũng như phục vụ khai thác dữ liệu trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Tăng cường ngăn chặn hành vi gian lận hóa đơn điện tử
Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, số lượng người nộp thuế (NNT) trên địa bàn ngày càng nhiều, hành vi gian lận về hóa đơn ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi cơ quan thuế không có thẩm quyền điều tra để kết luận chính xác về sai phạm của các đối tượng mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) nhằm trục lợi, gian lận tiền thuế. Do đó, đơn vị đã kiến nghị Tổng cục Thuế đẩy mạnh nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro về hóa đơn nhằm sớm nhận diện, phân loại NNT có rủi ro về hóa đơn theo từng mức độ (cao, vừa, thấp) để công tác quản lý NNT có trọng tâm, ưu tiên tập trung rà soát các đối tượng có rủi ro cao trước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, triệt tiêu các hành vi gian lận về hóa đơn điện tử (HĐĐT).
Triển khai vận hành chức năng cảnh báo tự động xuất hóa đơn
Công tác triển khai vận hành chức năng cảnh báo tự động xuất hóa đơn vượt ngưỡng rủi ro (theo hệ số K) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã góp phần điều chỉnh được một số sai lệch trong ngành nghề kinh doanh; giúp phát hiện sớm các trường hợp xuất khống hóa đơn… Qua đó, cơ quan thuế đã kịp thời cảnh báo cho NNT cũng như xử lý, ngăn chặn nhiều hành vi gian lận liên quan đến HĐĐT.
Đối với công tác kiểm tra đối chiếu dữ liệu kê khai chênh lệch giữa HĐĐT và tờ khai GTGT, tính đến đầu tháng 10/2024, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện số thuế chênh lệch là 79.504 tỷ đồng của 65.914 NNT; trong đó, số chênh lệch thiếu thuế của 9.807 NNT là 4.657 tỷ đồng. Qua rà soát, đối chiếu, đã có 156 NNT thực hiện điều chỉnh kê khai bổ sung hơn 90 tỷ đồng; số còn phải thực hiện rà soát theo thông báo đã gửi đến 44.250 NNT đang trong thời gian giải trình... Riêng các trường hợp NNT sử dụng hóa đơn của 524 doanh nghiệp (DN) gian lận (theo Công văn số 1798/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế), Cục Thuế thành phố cũng đã rà soát và xử lý 154.853 hóa đơn bất hợp pháp mua của 524 DN nói trên, với tổng số tiền thuế đã điều chỉnh, truy thu và phạt lên gần 963 tỷ đồng, chiếm 76,09% tổng số lượng hóa đơn và 82,6% tổng số thuế GTGT phải xử lý.
Về kết quả công tác phòng, chống gian lận HĐĐT, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và các chi cục thuế trực thuộc đã xử lý 1.510 hóa đơn vi phạm của 219 DN, với tổng số thuế truy thu, phạt 15,5 tỷ đồng; trong đó, đã phát hiện, xử lý 984 trường hợp sử dụng hóa đơn không hợp pháp (hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn), với số thuế truy thu, phạt 9,5 tỷ đồng. Trong thời gian này, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra 6 trường hợp (5 trường hợp để truy cứu trách nhiệm hình sự và 1 trường hợp dưới dạng tin báo).
Quyết liệt giám sát, đẩy mạnh cảnh báo các hóa đơn rủi ro
Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 10/2024, toàn địa bàn có khoảng 11.684 NNT thuộc diện có hệ số K vượt ngưỡng, với 959.876 lượt cảnh báo. Trong đó, cơ quan thuế đã chuyển 97 hồ sơ sang cơ quan công an điều tra; phát hành 53 thông báo DN rủi ro, dừng sử dụng hóa đơn hoặc cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn và một số trường hợp đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế, ra quyết định truy thu tiền thuế… Bên cạnh đó, Cục Thuế thành phố cũng đã xây dựng ứng dụng “Quản lý thông tin cảnh báo theo NNT” để cập nhật các văn bản cảnh báo rủi ro từ cơ quan thuế các địa phương khác gửi đến và của cơ quan thuế tại TP. Hồ Chí Minh ban hành, với hơn 13.006 văn bản cảnh báo rủi ro được cập nhật vào ứng dụng để hỗ trợ công tác khai thác dữ liệu DN rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế.
Tuy nhiên, số lượng DN và số lượng HĐĐT cần rà soát đối chiếu quá lớn, dẫn đến khối lượng công việc cần phải xử lý còn tồn đọng không ít. Thêm vào đó, có nhiều DN đăng ký đa ngành nghề nhưng chỉ áp dụng hệ số K cho ngành nghề chính, đặc biệt là DN vừa kinh doanh thương mại vừa cung cấp dịch vụ… nên hệ số K cảnh báo chưa thật chính xác.
Từ thực tế này, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Tổng cục Thuế xây dựng các chức năng cảnh báo rủi ro sát với thực tế kinh doanh của NNT như: hệ số K phải phù hợp với nhiều loại hình kinh doanh, từng nhóm đối tượng thông qua việc thống kê, phân tích trên dữ liệu lớn; ứng dụng cần nhận diện các mặt hàng trên hóa đơn bán ra là hàng hóa hay dịch vụ để cảnh báo chính xác nhất, có thể lấy dữ liệu hàng nhập khẩu từ hệ thống tờ khai hải quan (hiện nay công chức đang lấy dữ liệu này) để tính toán hệ số K chính xác hơn. Ngoài ra, cần tăng thời hạn xử lý và phê duyệt danh sách NNT thuộc diện cảnh báo lên hai ngày làm việc (quy định hiện nay là một ngày) do số lượng hệ số K cần xử lý lớn và cần phải liên hệ với NNT để xác minh.
Cách nhận biết hóa đơn điện tử qua ký hiệu
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã trở thành xu hướng tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Năm 2024, với sự phát triển của công nghệ, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đã được triển khai rộng rãi, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp các DN tối ưu hóa quy trình bán hàng và quản lý thuế. Đặc biệt, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là một giải pháp ưu việt đối với các cơ sở kinh doanh có mô hình kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng.
Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, HĐĐT có ký hiệu là nhóm 6 ký tự gồm cả chữ viết và chữ số phản ánh các thông tin về loại HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không mã, năm lập hóa đơn, loại HĐĐT được sử dụng... 6 ký tự này được quy định như sau: Ký tự đầu tiên là một chữ cái được quy định là C (thể hiện HĐĐT có mã của cơ quan thuế) hoặc K (không có mã của cơ quan thuế). Ký tự tiếp theo là 2 chữ số Ả rập thể hiện năm lập HĐĐT được xác định theo 2 chữ số cuối của năm dương lịch. Ký tự kế tiếp là 1 chữ cái gồm T (hóa đơn của DN, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng với cơ quan thuế), hoặc D (hóa đơn bán tài sản công và hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia hoặc hóa đơn điện tử đặc thù không nhất thiết phải có một số tiêu thức do các DN, tổ chức đăng ký sử dụng), hoặc L (hóa đơn do cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh), hoặc M (hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền), hoặc N (phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử), hoặc B (phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử), hoặc G (tem, vé, thẻ điện tử là hóa đơn GTGT), hoặc H (tem, vé, thẻ điện tử là hóa đơn bán hàng).
Kế nữa là 2 ký tự cuối là chữ viết do người bán tự xác định căn cứ theo nhu cầu quản lý. Trường hợp người bán sử dụng nhiều mẫu HĐĐT trong cùng 1 loại hóa đơn thì sử dụng 2 ký tự cuối nêu trên để phân biệt các mẫu hóa đơn khác nhau trong cùng 1 loại hóa đơn. Trường hợp không có nhu cầu quản lý thì để là YY.