Giải bài toán tăng trưởng âm ở tỉnh Khánh Hòa
Tập trung phát triển công nghiệp thay cho dịch vụ du lịch để khắc phục tình trạng tăng trưởng âm trong năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19
Trong tháng 3, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát các cụm công nghiệp (CCN), KCN và các dự án ở tỉnh Khánh Hòa để tìm cách tháo gỡ khó khăn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án công nghiệp quy mô lớn tại Khu Kinh tế Vân Phong và các KCN trên địa bàn. Đây là giải pháp đang được tỉnh đẩy mạnh để chặn đà suy giảm kinh tế, tạo đà tăng trưởng trong năm 2021.
Vướng bồi thường giải tỏa, cấp phép xây dựng
Ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết đa số các tỉnh mũi nhọn về du lịch trong năm qua tăng trưởng âm, trong khi đó Quảng Nam nhờ có công nghiệp ôtô đã gánh gần 8% mức tăng trưởng cho tỉnh này. Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế Khánh Hòa khiến mức tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội đạt kỷ lục âm 10,5%. Do đó, Khánh Hòa đang cơ cấu lại tỉ trọng các ngành kinh tế trong năm 2021.
Theo số liệu của UBND tỉnh Khánh Hòa, ngành công nghiệp tỉnh này trong năm 2020 vẫn duy trì mức tăng trưởng 0,5% so với năm trước. Các sản phẩm công nghiệp thế mạnh như: điện, đồ gỗ, nước yến, thủy sản đông lạnh... đều tăng trưởng khá. Năm 2021, công nghiệp sẽ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được Khánh Hòa tập trung phát triển. Trước mắt, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm Cam Ranh, Vân Phong, Nha Trang. Mới đây, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã có chuyến kiểm tra tiến độ đầu tư, xây dựng tại CCN Trảng É để tháo gỡ các vướng mắc tại đây.
Theo chủ đầu tư CCN Trảng É, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khatoco, công tác bồi thường giải tỏa (BTGT) CCN Trảng É 1 với diện tích 35,2 ha đã hoàn tất, tuy nhiên với CCN Trảng É 2 là 44,6 ha thì đang gặp khó khi chỉ mới BTGT được 20,36 ha. Chủ đầu tư đã kêu gọi được 8 nhà đầu tư với tổng trị giá đầu tư 907 tỉ đồng. Do đó, đề nghị sở, ngành và các đơn vị liên quan sớm giải quyết các trường hợp vướng mắc về BTGT tại CCN này.
CCN Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) với hơn 40 ha cũng gặp khó khăn. Chủ đầu tư là Công ty Yến Sào Khánh Hòa cho biết đã kêu gọi được 9 nhà đầu tư thứ cấp với vốn đầu tư dự kiến hơn 400 tỉ đồng, tổng diện tích đất được các nhà đầu tư thứ cấp đăng ký thuê khoảng 20 ha (đạt 73%) nhưng đang vướng về việc cấp phép xây dựng.
Trải thảm cho doanh nghiệp
Còn theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong - đơn vị quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Khánh Hòa thu hút được gần 200 dự án đầu tư, với tổng số đăng ký gần 180.000 tỉ đồng. Các dự án FDI chiếm 50% tổng số dự án và tổng vốn.
Tuy vậy, từ năm 2012 đến nay, do xây dựng Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt Bắc Vân Phong (thuộc huyện Vạn Ninh) nên khu vực này gần như giữ nguyên trạng, chưa thu hút được các nhà đầu tư. Hiện Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đang tài trợ 5 triệu USD cho tỉnh Khánh Hòa để lập quy hoạch, làm khu phi thuế quan, dự kiến sẽ thu hút hàng chục dự án, hàng triệu du khách đến TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã yêu cầu các đơn vị liên quan bám sát, kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư đang quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu lập dự án. Mặt khác, lãnh đạo tỉnh thường xuyên đối thoại nhằm giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Theo Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh có 8 CCN được UBND tỉnh ra quyết định thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng. Trong đó, 6 CCN (Diên Phú, Diên Phú - VCN, Đắc Lộc, Chăn nuôi Khatoco Ninh Ích, Trảng É 1, Sông Cầu) đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, đang đi vào hoạt động. Các CCN này thu hút được 58 dự án và đã có 48 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 4.500 lao động. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư thứ cấp vào các CCN vẫn còn trở ngại, tiến độ xây dựng hạ tầng cũng chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là các CCN mới thành lập. Điều này đã tác động đến tình hình thu hút đầu tư của tỉnh cũng như giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn.
Đại diện chủ đầu tư CCN Chăn nuôi Khatoco Ninh Ích cho biết CCN có vị trí rất tốt nằm gần Quốc lộ 1A, hệ thống giao thông nội bộ có chỉ giới 24 m với chiều rộng mặt đường 15 m, hệ thống xử lý nước thải đạt loại A, giá thuê đất rất ưu đãi chỉ 6 tỉ đồng/ha kéo dài trong 30 năm. Tuy nhiên, hiện CCN này chỉ mới có 2 dự án đi vào hoạt động. Theo ông Trần Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, để cải thiện tình hình đầu tư năm 2021, sở này đang tham mưu UBND tỉnh có giải pháp đẩy nhanh hoàn thiện mặt bằng hạ tầng để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Hiện HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở quan trọng để tạo bước đột phá trong thu hút các nhà đầu tư vào năm 2021.
Chuẩn bị hội nghị thu hút đầu tư
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh này đang chuẩn bị tổ chức hội nghị chuyên đề thu hút đầu tư trong tháng 6. Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đã đề nghị IPPG làm rõ các lý do cần thiết điều chỉnh quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển Khu Kinh tế Vân Phong. Đồng thời làm rõ ranh giới, phạm vi điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong, cân nhắc thời gian trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến các bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nội dung: Điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh và phê duyệt cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển Khu Kinh tế Vân Phong. Đây sẽ là đòn bẩy để thu hút đầu tư.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH