Giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp, TP.HCM thực hiện cao điểm 60 ngày đêm hoàn thành chỉ tiêu năm 2024

10 tháng năm 2024, kinh tế TP.HCM tăng trưởng tích cực, song giải ngân đầu tư công chỉ đạt khoảng 22% kế hoạch. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM yêu cầu tập trung thực hiện cao điểm 60 ngày đêm 'quyết tâm, tăng tốc, năng suất gấp đôi', phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội…

TP.HCM thực hiện cao điểm 60 ngày đêm hoàn thành chỉ tiêu năm 2024 - Ảnh minh họa.

TP.HCM thực hiện cao điểm 60 ngày đêm hoàn thành chỉ tiêu năm 2024 - Ảnh minh họa.

Tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh về việc TP.HCM mới chỉ giải ngân vốn đầu tư công được khoảng 22%. Vì vậy, ông Dũng yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung rà soát, đánh giá các chủ đầu tư, phân tích nguyên nhân một số dự án giải ngân chưa đạt kế hoạch như cam kết.

CAO ĐIỂM 60 NGÀY ĐÊM HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU

Theo đánh giá kết quả của tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024 và thảo luận, xác định các vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm để đề ra giải pháp thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, trong đó phấn đấu kết thúc năm 2024 tốc độ tăng trưởng của Thành phố đạt từ 7 đến 7,5%.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Dũng cho biết đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân của Thành phố chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tính đến hết ngày 25/10/2024, tổng số vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước đã giải ngân là 17.272,9 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch vốn năm 2024.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: TTBC.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: TTBC.

Vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành Kế hoạch thi đua cao điểm 60 ngày đêm “Quyết tâm tăng tốc, năng suất gấp đôi” phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, nhằm đẩy mạnh thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Thành phố; chỉ tiêu giao ước thi đua Cụm thi đua 5 Thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024 và các chương trình, công trình, dự án thi đua, các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án trọng điểm.

Do đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu phải rà soát, đánh giá rõ các chủ đầu tư, rõ nguyên nhân một số dự án giải ngân chưa đạt kế hoạch như cam kết. Đồng thời, ông Dũng cho biết Ủy ban nhân dân TP.HCM đã phân công các thành viên Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố theo dõi, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công.

BỨC TRANH TĂNG TRƯỞNG 10 THÁNG

Trước đó, báo cáo kết quả kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Phạm Trung Kiên cho biết Thành phố đã tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng và phát triển.

Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính IIP tháng 10 tăng 8,9% so với cùng kỳ và tính chung 10 tháng tăng 6,9%. Trong đó, chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 109.467 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng ước đạt 979.052 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch tháng 10 ước đạt 16.251 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng, ước đạt 156.649 tỷ đồng tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2023.

“TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trên các kênh mua sắm, đồng thời triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa”, ông Kiên nhận định.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM 10 tháng năm 2024 - Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM 10 tháng năm 2024 - Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM

Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 của Thành phố ước đạt 4,304 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước; lũy kế 10 tháng ước đạt 38,55 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước đạt 5,602 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước, cộng dồn 10 tháng ước đạt 49,56 tỷ USD, tăng 8,9%.

Tuy nhiên, về môi trường kinh doanh trên địa bàn Thành phố, Cục Thống kê nhìn nhận chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2024 giảm 1,2% và vốn giảm 16,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tham gia vào thị trường tăng 2,4% nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 20/10/2024, Thành phố cấp phép 42.167 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 321.523 tỷ đồng, giảm 1,2% về giấy phép và giảm 16,8% về vốn so với cùng kỳ.

Phân theo khu vực kinh tế, có đến 82,7% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động dịch vụ, 17% doanh nghiệp ngành công nghiệp – xây dựng và 0,3% ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Phân theo loại hình doanh nghiệp, có đến 91,6% đăng ký thành lập mới là công ty Trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần chiếm 7,6%; doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh chiếm 0,8%.

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết hầu hết doanh nghiệp tại Thành phố hiện đã có đủ đơn hàng đến hết năm và cả quý 1/2025. Các doanh nghiệp cũng đang tích cực chuẩn bị hàng hóa cao điểm mua sắm cuối năm, cũng như "gối đầu" cho năm tới.

Dù đơn hàng trở lại, song ông Hòa nhìn nhận các doanh nghiệp đang chịu tình trạng bị "ép giá", biên lợi nhuận ngày càng bị thu hẹp, chỉ cần một biến động nhỏ cũng có thể không còn lợi nhuận.

Ngoài áp lực về giá, ông Hòa cho hay các doanh nghiệp đang vừa phải sản xuất và duy trì đơn hàng, vừa phải đầu tư để giải quyết các điểm nghẽn có thể gặp phải trong năm 2025, đặc biệt là các rào cản về tiêu chuẩn xanh và số hóa.

“Các đối tác yêu cầu sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng thông qua QR code. Không chỉ yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mà ngay cả nguyên liệu đầu vào cũng cần có chứng chỉ bền vững”, ông Hòa cho biết.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản xuất khẩu có giá tốt như sầu riêng, cà phê, tiêu và gạo đều cần minh bạch về quy trình sản xuất, chăm sóc và bón phân. Ngành dệt may và da giày cũng đối mặt với áp lực tương tự khi bị yêu cầu truy xuất nguồn gốc vải, trong khi nguyên liệu đầu vào hầu hết đều là nhập khẩu.

Thanh Thủy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-van-thap-tp-hcm-thuc-hien-cao-diem-60-ngay-dem-hoan-thanh-chi-tieu-nam-2024.htm