Giải Nobel hóa học: Có thể bạn chưa biết

Trong số 189 người được trao giải Nobel hóa học, 3 gia đình có ít nhất 2 thành viên được vinh danh, và kém may mắn hơn, có 2 người bị buộc từ chối giải thưởng.

Chủ nhân Giải Nobel Hóa học 2022 đã được công bố mới đây. (Nguồn: Nature)

Chủ nhân Giải Nobel Hóa học 2022 đã được công bố mới đây. (Nguồn: Nature)

Tổng số giải Nobel hóa học

Kể từ năm 1901 cho đến nay, 113 giải Nobel hóa học đã được trao. Vào các năm: 1916, 1917, 1919, 1924, 1933, 1940, 1941 và 1942 không có nhà khoa học hay nhóm tác giả nào nhận giải thưởng này.

Theo quy định của Quỹ Nobel, các giải thưởng không bắt buộc phải được trao hàng năm, nhưng ít nhất phải được trao một lần trong 5 năm. Tuy nhiên, nếu các đề cử không đạt điều kiện xét duyệt thì số tiền thưởng của năm này sẽ được bảo lưu sang năm sau. Nếu năm sau, giải thưởng vẫn không được trao, số tiền sẽ được chuyển lại cho quỹ.

Trong Thế chiến I và II, ít giải Nobel được trao hơn.

Cá nhân và nhóm tác giả nhận giải thưởng Nobel hóa học

Có 63 giải Nobel hóa học được trao cho các nghiên cứu của cá nhân, 25 giải trao cho các nhóm tác giả gồm 2 người và 26 giải trao cho các nhóm tác giả gồm 3 người.

Theo quy định của Quỹ Nobel, số tiền thưởng có thể được chia đều cho hai đề cử xứng đáng, mỗi đề cử tương ứng một giải thưởng. Trong trường hợp tác phẩm nhận giải do hai hoặc ba tác giả cùng đóng góp, giải thưởng sẽ được vinh danh chung. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, giải thưởng không được chia cho nhiều hơn ba người.

Số người đoạt giải Nobel hóa học

Từ năm 1901 đến nay, 189 người đã được trao giải Nobel hóa học. Trong đó, hai nhà khoa học là Frederick Sanger và Barry Sharpless đã hai lần nhận giải thưởng danh giá này.

Người trẻ tuổi nhất

Vợ chồng nhà khoa học Irène và Frédéric Joliot-Curie. (Nguồn: Bettmann/Corbis)

Vợ chồng nhà khoa học Irène và Frédéric Joliot-Curie. (Nguồn: Bettmann/Corbis)

Trong 121 năm qua, người đoạt giải Nobel hóa học trẻ tuổi nhất là Frédéric Joliot, khi ông 35 tuổi. Năm 1935, ông và vợ là Irène Joliot-Curie đã được trao giải nhờ tìm ra hiện tượng phóng xạ nhân tạo. Hai nhà khoa học đã nghiên cứu cấu trúc của nguyên tử, đặc biệt trong việc phóng các hạt nhân, đó là một bước quan trọng trong sự phát hiện ra neutron.

Nhà khoa học nữ đoạt giải Nobel hóa học

Trong những người được trao giải Nobel hóa học, cho đến nay, có 8 người là phụ nữ gồm:

Marie Curie (giải thưởng năm 1911, bà cũng được trao giải Nobel Vật lý vào năm 1903), Irène Joliot-Curie (con gái của Marie Curie, đồng thời là vợ của Frédéric Joliot, nhận giải thưởng vào năm 1935), Dorothy Crowfoot Hodgkin (1964), Ada Yonath(2009), Frances H. Arnold (2018), Emmanuelle Charpentier (2020), Jennifer A. Doudna (2020) và Carolyn R. Bertozzi (2022).

Hai nhà khoa học Marie Curie và Dorothy Crowfoot Hodgkin đã nhận giải thưởng với nghiên cứu của cá nhân.

Người đoạt giải lớn tuổi nhất

Năm 2019, John B. Goodenough trở thành người đoạt giải Nobel hóa học cao tuổi nhất khi ông 97 tuổi. Cho đến nay, ông cũng là người lớn tuổi nhất đoạt giải Nobel ở tất cả các hạng mục giải thưởng.

Nhà Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf (phải) trao giải Nobel hóa học cho ông John B. Goodenough tại Konserthuset Stockholm, ngày 10/12/2019. (Nguồn: nobelprize.org)

Nhà Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf (phải) trao giải Nobel hóa học cho ông John B. Goodenough tại Konserthuset Stockholm, ngày 10/12/2019. (Nguồn: nobelprize.org)

Giải Nobel Hóa học 2019 được trao cho nhóm tác giả John B. Goodenough (Đại học Texas ở Austin, Mỹ), M. Stanley Whittingham (Đại học Binghamton, Đại học Bang New York, Mỹ) và Akira Yoshino (Đại học Meijo, Nagoya, Nhật Bản) với nghiên cứu về sự phát triển của pin lithium-ion. Đó là loại pin nhẹ, có thể sạc lại nhiều lần, đặt nền móng cho một xã hội không dây, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và mang lại lợi ích lớn nhất cho loài người.

Những người sở hữu nhiều giải Nobel

Marie Curie (1867-1934), người phụ nữ đầu tiên đồng thời là người phụ nữ duy nhất vinh dự giành được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau – vật lý (1903) và hóa học (1911). Marie Curie là nữ giảng viên đại học đầu tiên tại Đại học Paris (Sorbonne). Vào năm 1995, tro xương của bà được đưa vào tưởng niệm tại điện Panthéon ở Paris vì những đóng góp to lớn cho nhân loại.

Nhà hóa học, nhà hóa sinh, nhà hoạt động vì hòa bình Linus Pauling (1901-1994) đã nhận được hai giải Nobel: Hóa học (1954), Hòa bình (1962). Ông được coi là một trong những nhà hóa học có ảnh hưởng nhất trong lịch sử khoa học và được xếp vào nhóm những nhà khoa học quan trọng trong thế kỷ XX. Pauling là một trong những nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học lượng tử và sinh học phân tử, ông là người duy nhất được trao hai giải Nobel oàn phần (không phải chia sẻ với bất kỳ ai khác.

Frederick Sanger (1918 – 2013) là nhà hóa học người Anh. Ông là người đầu tiên giành Giải Nobel hóa học tới 2 lần. Lần đầu tiên là vào năm 1958, ông giành giải cá nhân nhờ những nghiên cứu làm sáng tỏ cấu trúc của protein, đặc biệt là insulin. Lần thứ hai là vào năm 1980, ông chung giải thưởng với hai nhà hóa học người Mỹ là Paul Berg và Walter Gilbert vì có những đóng góp liên quan đến chuỗi axít nucleic.

Karl Barry Sharpless (sinh năm 1941) là nhà hóa học người Mỹ. Ông giành Giải Nobel hóa học năm 2001 cùng với Noyori Ryōji và William Standish Knowles khi đã tìm ra cách kiểm soát phản ứng hóa học hiệu quả, từ đó dọn đường cho các loại dược phẩm trị bệnh tim và bệnh Parkinson.

Năm nay, nhà khoa học kỳ cựu Karl Barry Sharpless cùng TS. Carolyn R. Bertozzi (Đại học Stanford, Mỹ), GS. Morten Meldal (Đại học Copenhagen, Đan Mạch) được vinh danh do có những đóng góp cho sự phát triển của những lĩnh vực mới, được đặt tên là hóa học click và hóa học sinh - trực giao (bioorthogonal).

Gia đình đoạt giải Nobel hóa học

Nhà Curies được xem là “gia đình Nobel” thành công nhất. Đầu tiên phải kể đến vợ chồng nhà khoa học Marie Curie và Pierre Curie, họ đã được trao giải Nobel vật lý năm 1903. Bản thân bà Marie Curie đã được trao giải thưởng danh giá này lần thứ hai, giải Nobel hóa học năm 1911.

Theo gương bố, mẹ, vợ chồng con gái lớn của Marie và Pierre Curie là Irène Joliot-Curie và Frédéric Joliot, nhận giải Nobel hóa học năm 1935.

Bà Marie Curie (ngoài cùng bên phải) và con gái Irène (thứ hai từ phải sang) chụp cùng các học sinh của Lực lượng viễn chinh Mỹ tại Institut du Radium, Paris, 1919. (Nguồn: Jupiter Images)

Bà Marie Curie (ngoài cùng bên phải) và con gái Irène (thứ hai từ phải sang) chụp cùng các học sinh của Lực lượng viễn chinh Mỹ tại Institut du Radium, Paris, 1919. (Nguồn: Jupiter Images)

Người con còn lại của hai ông bà, Eve Curie (1904 - 2007) không theo đuổi con đường khoa học của gia đình mà lại chọn làm việc ở Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). Bà kết hôn với Henry R. Labouisse vào năm 1954.

Đến năm 1965, Henry R. Labouisse với cương vị là giám đốc UNICEF nhiệm kỳ 1965-1969, đã thay mặt tổ chức này nhận giải Nobel hòa bình cho công việc khích lệ tình thương tương trợ giữa các quốc gia.

Ngoài gia đình Curies, cha con nhà von Euler cũng lần lượt nhận giải thưởng danh giá này. Năm 1929, người cha là Hans von Euler-Chelpin cùng cộng sự Arthur Harden đoạt giải Nobel hóa học cho công trình nghiên cứu về sự lên men của đường và các enzymes lên men.

Năm 1970, người con trai Ulf von Euler nhận giải Nobel sinh lý học và y khoa cho công trình nghiên cứu về các neurotransmitte.

Cuối cùng là gia đình Kornberg. Năm 1959, nhà hóa sinh người Mỹ Arthur Kornberg cùng với nhà hóa sinh người Tây Ban Nha Severo Ochoa giành giải Nobel sinh lý học và y học vì đã khám phá ra "các cơ chế tổng hợp sinh học của axit deoxyribonucleic (DNA) và Acid ribonucleic (RNA)".

Đến năm 2006, người con trai Roger D. Kornberg, đoạt giải Nobel hóa học cho những nghiên cứu về cơ sở phân tử của sự sao chép thông tin di truyền từ DNA vào RNA trong các sinh vật nhân chuẩn.

Bị buộc từ chối nhận giải thưởng

Trong lịch sử giải Nobel hóa học, hai nhà khoa học từng đoạt giải là Richard Kuhn (vinh danh năm 1938) và Adolf Butenandt (vinh danh năm 1939) đã bị chính quyền Adolf Hitler buộc từ chối giải Nobel. Sau này, cả hai người đều đã nhận được bằng và huy chương nhưng không được nhận tiền thưởng.

(theo nobelprize.org)

Kha Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giai-nobel-hoa-hoc-co-the-ban-chua-biet-200861.html